Đòi hỏi hàng đầu của nền kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhập siêu đang dần tăng lên, với tổng mức nhập siêu 11 tháng qua lên tới trên 10 tỷ USD, bằng gần 20% kim ngạch xuất khẩu, gây áp lực lên cán cân thanh toán, lên tỷ giá. Trong khi đó, thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể năm nay dự kiến có thể ở mức 1,9 tỷ USD. Còn tỷ giá, áp lực với VND là không nhỏ. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đã tăng cao đến mức cần phải cảnh báo, lên tới 41,66% đối với riêng dư nợ bằng VND. Lạm phát trong năm nay đến giờ phút này có thể khẳng định là không đáng lo, song những nguy cơ vào đầu năm 2010, đặc biệt là trong quý II của năm tới là điều đã liên tiếp được nhắc tới…

Nguy cơ bất ổn vĩ mô đang tiềm ẩn và điều này càng cần được đánh giá một cách thận trọng, khi mà nền kinh tế dù đang hồi phục, nhưng chưa thật sự vững chắc. Sự tổn thương là hoàn toàn có thể, nếu Chính phủ không có những giải pháp nhanh, kịp thời.

Bởi vậy, những động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước về việc can thiệp vào thị trường ngoại tệ, nâng lãi suất cơ bản lên 8% là hoàn toàn dễ hiểu. Việc Chính phủ mới đây yêu cầu Bộ Công thương xây dựng hàng rào kỹ thuật mà không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để hạn chế nhập khẩu, nhằm giảm nhập siêu cũng rất cần thiết.

Tương tự, quyết định dừng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đúng hạn vào cuối năm nay, chứ không kéo dài tới hết quý I/2010, trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trung và dài hạn theo Quyết định 443 và 497/QĐ-TTg đến hết năm tới, với mức lãi suất hỗ trợ và đối tượng sẽ được điều chỉnh, cũng được cho là một biện pháp hợp lý, vừa vẫn có thể kích thích kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu hàng đầu hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô.

Có thể, sự điều chỉnh trong chính sách điều hành của Chính phủ sẽ tác động đến không ít đối tượng đang được thụ hưởng sự hỗ trợ của các biện pháp kích thích kinh tế. Song cần phải thấy rằng, cùng với những mặt trái vốn có của việc áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế, như sự ỷ lại của khu vực doanh nghiệp, làm méo mó thị trường tiền tệ, thì trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, có thể, những hệ lụy đến nền kinh tế là không hề nhỏ.

Sự ổn định kinh tế vĩ mô chính là một trong những điều kiện cơ bản nhất để tạo niềm tin cho người dân, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, đầu tư… Chính vì thế, rất có thể, cái giá mà doanh nghiệp, mà nền kinh tế phải trả sẽ lớn hơn nhiều nếu như bất ổn vĩ mô xảy ra. Hơn thế, khi nền kinh tế đã hồi phục rõ nét hơn, thì cũng đã đến lúc, các doanh nghiệp phải tự bươn trải, vươn lên và phát triển, chứ không thể chỉ trông chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Thực tế cũng đã chỉ ra rằng, nhiều khi, sự hỗ trợ tài chính không quan trọng bằng sự hỗ trợ về chính sách, bằng các biện pháp tạo thuận lợi cho đầu tư và sản xuất – kinh doanh.

Có lẽ cũng chính vì vậy mà trong một cuộc hội thảo vừa được tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị, năm 2010, thay vì hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, phải ổn định chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt để doanh nghiệp có thể tự đứng vững trong “cuộc đua đường dài”. Xét trên khía cạnh này, việc Chính phủ quyết định thực hiện nhiều biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết và phù hợp.

Ngay tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa khai mạc tại Hà Nội, các nhà tài trợ cũng đã bày tỏ sự đồng tình với những biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô mà Chính phủ vừa quyết định thực hiện, trong đó bao gồm cả việc dừng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Rằng đó chính là những biện pháp quan trọng và đúng hướng để ổn định kinh tế vĩ mô, một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu mà Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Điện tử Đầu tư