Điều chỉnh tỷ giá không có nghĩa phải phá giá đồng nội tệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Thưa Ông, năm 2008, sự mất giá của VNĐ/USD thấp hơn so với các nước trong khu vực, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định không có chủ trương điều chỉnh tỷ giá.  Ông nhận định thế nào về điều này?

ÔNG CAO SỸ KIÊM: Tỷ giá là vấn đề rất phức tạp. Việc điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam luôn phải tính toán tới 3 yếu tố. Thứ nhất là khuyến khích xuất khẩu thì phải hạ giá VNĐ. Thứ hai là hạn chế nhập khẩu, tránh tình trạng nhập siêu, nhưng trong bối cảnh mặt bằng giá đang giảm thì đây lại là cơ hội tốt để nhập khẩu các nguyên liệu, máy móc thiết yếu. Thứ ba là bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp phải vay bằng ngoại tệ. Nếu điều chỉnh nhanh tỷ giá, đối tượng này sẽ chịu thiệt hại rất lớn.

Hiện tại, tỷ giá VNĐ/USD đang có chênh lệch lớn so với nhiều nước. Cụ thể trong năm 2008, đồng nội tệ của Thái Lan đã giảm giá so với USD là 16,1%, tỷ lệ tương ứng của Philippines là 15,3% và Indonesia là 17,2%, trong khi đó đồng VNĐ tính đến 25.12.2008 chỉ mất giá 9,5%. Nhưng xét trong hoàn cảnh riêng của Việt Nam, muốn điều chỉnh tỷ giá thì phải bảo đảm được cả 3 yếu tố vừa nêu. Điều chỉnh tỷ giá không có nghĩa là phải phá giá đồng nội tệ, để đồng tiền trong nước mất giá mạnh như các nước khác, mà phải tăng, giảm linh hoạt tùy thuộc vào hướng đi cụ thể là muốn tăng xuất khẩu hay giảm nhập khẩu. Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh theo xu hướng nới biên độ, để các ngân hàng thương mại tự điều chỉnh, tránh thiệt thòi.

PV: Vậy còn quan điểm “phá giá là phá niềm tin” đúng hay sai với hoàn cảnh Việt Nam ở thời điểm này hay không?

ÔNG CAO SỸ KIÊM: Một số người cho rằng, người dân đang mất lòng tin vào đồng nội tệ, minh chứng là tâm lý ưa chuộng vàng và ngoại tệ. Thêm đó, lãi suất cơ bản đã giảm từ 14% xuống còn 7% năm khiến không còn nhiều người muốn giữ đồng VNĐ. Ở khía cạnh nào đó, phá giá đồng nội tệ đương nhiên sẽ gây yếu tố tiêu cực và hoang mang trong người dân. Nhưng vấn đề là người dân có niềm tin hay không lại phụ thuộc vào kết quả điều chỉnh chính sách. Việc tăng giá quá mức VNĐ hoặc USD có thể gây rủi ro, tác động mạnh vào cân đối kinh tế vĩ mô, nợ quốc gia, cán cân thanh toán…

PV: Ngân hàng Standard Chartered đã dự báo tỷ giá năm 2009 của đồng VNĐ là 18.500 đồng/USD (tỷ giá bình quân liên ngân hàng hiện tại xấp xỉ 17.000 đồng/USD, của ngân hàng thương mại là trên 17.400 đồng/USD). Ông nhìn nhận thế nào về con số này?

ÔNG CAO SỸ KIÊM: Đây chỉ là cách tính trên lý thuyết. Nếu Việt Nam điều chỉnh tỷ giá thì con số có thể ở mức 18.500 đồng/USD. Song như đã phân tích, tỷ giá thực của đồng VNĐ nếu có điều chỉnh phải tính toán lợi ích của các yếu tố: ưu tiên xuất khẩu, khốëng chế nhập khẩu, tạo điều kiện cho dư nợ ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đến đâu? Không thể điều chỉnh tỷ giá theo lý thuyết chung của thế giới hay lời khuyên của các chuyên gia. Đồng VNĐ hiện đang rất mạnh so với các đồng tiền như USD, euro, bởi thế có người nói nếu không phá giá đồng VNĐ sẽ rất nguy hiểm, song đây chỉ là lý thuyết. Nhìn nhận thực tế, nếu đồng VNĐ yếu sẽ gia tăng đáng kể các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ cũng như doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vay ngoại tệ nhưng thu bằng nội tệ. Điều chỉnh tỷ giá mạnh tay sẽ khiến các doanh nghiệp này trở tay không kịp. Việc điều chỉnh cũng còn phải tính tới khả năng gia tăng lại lạm phát, tâm lý lo ngại trong người dân…

PV: Nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đang rất mong chờ động thái điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD của Ngân hàng Nhà nước. Bởi thực tế xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đã giảm sút mạnh so với cùng kỳ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

ÔNG CAO SỸ KIÊM: Đúng là đồng Việt Nam đang mạnh, không có lợi cho xuất khẩu. Nhưng xuất khẩu không hoàn toàn phụ thuộc vào tỷ giá mà quan trọng nhất hiện nay chính là yếu tố thị trường. Khó khăn kinh tế chung đã khiến các nước đều giảm nhập khẩu và giảm tiêu dùng. Nên giải bài toán xuất khẩu thời điểm này thì phải có lời giải cho đầu ra, chứ không chỉ trông chờ ở tỷ giá.

Không nhất thiết phải điều chỉnh tỷ giá ở thời điểm này. Từ nay đến cuối năm có thể điều chỉnh biên độ theo giá thị trường, có thể sẽ giảm giá từng bước VNĐ nhưng không thể phá giá đồng nội tệ, bởi như thế đồng nghĩa với rủi ro lạm phát, nợ nước ngoài và số phận các doanh nghiệp vay nợ bằng USD bị đe dọa nghiêm trọng.

PV: Xin cám ơn Ông!

MAI HÀ thực hiện

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân