Điều hành kinh tế vĩ mô năm 2010: Tập trung giám sát thực hiện tài chính, ngân sách
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về những mặt được và chưa được trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính- ngân sách trong năm 2009 vừa qua?

PGS. TS Đinh Văn Nhã: Trước hết, đó là tập trung giám sát, làm rõ cơ sở pháp lý về nguồn vốn của gói kích thích kinh tế do Chính phủ thực hiện để chống suy giảm kinh tế. Qua giám sát có thể khẳng định rằng, theo pháp luật hiện hành, Chính phủ đã thực hiện quyết định sử dụng nguồn vốn kích thích kinh tế theo đúng thẩm quyền, có một số nguồn đã báo cáo Quốc hội quyết định theo thẩm quyền như phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ hoặc các vấn đề miễn, giãn, giảm thuế đã thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội. Kết quả giám sát trên đã cung cấp các thông tin cho các đại biểu Quốc hội, tạo sự đồng thuận cao khi bàn về các vấn đề ngân sách tại hai kỳ họp trong năm 2009.

Nét nổi bật khác của hoạt động giám sát tài chính ngân sách cần đề cập đến là giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Công việc này giao cho ủy ban Tài chính Ngân sách chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành. Đây là công việc rất nhạy cảm, phải giám sát kịp thời nhưng không làm ảnh hưởng, gây khó khăn cho các đối tượng vay và cho vay vốn. Do công việc được tổ chức khoa học, có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ, nên kết quả giám sát đã phát hiện nhiều bất cập về cơ chế, chính sách, thủ tục và tồn tại trong tổ chức thực hiện, đã có nhiều kiến nghị sát thực tế để các cơ quan hữu quan sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất có hiệu quả cao hơn trong năm 2010.

Có thể nói kết quả giám sát ngân sách đạt được là tích cực. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực, kinh phí, đặc biệt là thông tin cần thiết, nên có một số hoạt động còn nặng về giám sát theo bề rộng, chưa giám sát nhiều theo chiều sâu, chưa thực sự làm rõ tính kinh tế, đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính ngân sách. Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi phải hoàn thiện và đổi mới từng bước phù hợp với chiến lược cải cách tài chính công ở nước ta.

PV: Vậy, theo ông Chính phủ cần có biện pháp gì để cải thiện chính sách tài khóa, kiểm soát bội chi và ổn định kinh tế vĩ mô thời gian tới?

PGS.TS Đinh Văn Nhã: Năm 2010, mục tiêu đề ra là phải đạt được ổn định kinh tế vĩ mô để phấn đấu có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn về số lượng và chất lượng. Do đó, xét cả về mặt lý thuyết và thực tế, để ổn định kinh tế vĩ mô thì phải thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm mức tăng trưởng tín dụng, đồng thời phải thực hiện chính sách tài khóa thận trọng ở mức độ linh hoạt, hợp lý, giảm dần từng bước tiến đến giảm mạnh bội chi ngân sách Nhà nước so với hiện nay.

Công cụ thuế phải được sử dụng hữu hiệu hơn để phát huy nội lực của nền kinh tế, do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh hạ dần thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nhưng kết hợp mở rộng cơ sở tính thuế, xóa bỏ dần việc miễn giảm, thuế TNDN, kể cả việc lồng ghép chính sách xã hội trong chính sách thuế; sớm nghiên cứu áp dụng phù hợp với thực tế quản lý ở nước ta các loại thuế trực thu như thuế tài sản, thuế nhà, đất… đồng thời chính sách chi tiêu công phải nhanh chóng được cơ cấu lại phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong quá trình chuyển đổi, giảm dần chi phí đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa mạnh các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh; sớm đổi mới để có cơ chế thích hợp nhằm nhân rộng, đẩy mạnh các hình thức đầu tư BOT hoặc PPP (Nhà nước Tư nhân) trong tất cả các lĩnh vực đầu tư công và đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế,…

PV: Với mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD, Việt Nam được cộng đồng các nhà tài trợ công nhận là quốc gia có thu nhập trung bình. Như vậy, nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi dành cho Việt Nam sẽ giảm trong thời gian tới mà thay vào đó là vay thương mại. Theo ông, cân đối ngân sách Việt Nam có gặp khó khăn gì không?

PGS.TS Đinh Văn Nhã: Đạt được mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD là cả một quá trình phấn đấu liên tục, kiên trì vượt qua nhiều khó khăn, vất vả của nhân dân ta, đây là một sự kiện rất đáng tự hào. Chúng ta phải bằng mọi cách và sớm nhân đôi nó lên, đây là phương châm và ước muốn của mọi người. Do đó, chúng ta phải chấp nhận mọi sự đối xử bình đẳng theo quan hệ quốc tế, tức là phải vay nước ngoài với lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại, cao hơn lãi suất ưu đãi. Điều này có thể dẫn đến khó khăn ban đầu, nhưng với ý chí vươn lên, có thể vượt qua được. Vấn đề lớn là có đủ ý chí, thống nhất hành động để chấp nhận thách thức mới và tập trung sức lực để vượt qua khó khăn, thử thách đó. Thực tế cho thấy vay ODA với lãi suất ưu đãi tính bình quân 3 năm gần đây để đầu tư phát triển chỉ khoảng trên 10% so với tổng vốn đầu tư XDCB hàng năm. Nếu phải vay thương mại thì mức vốn phải trả lãi tuy hàng năm có cao hơn, nhưng ảnh hưởng không lớn đến cân đối ngân sách hàng năm. Vấn đề quan trọng hơn, theo tôi, không phải là ở chỗ vay ưu đãi hay vay thương mại, mà ở chỗ chúng ta sử dụng có hiệu quả cao hơn các khoản vay khi phải vay theo lãi suất thuơng mại. Chúng ta đã có nhiều bài học quý giá khi quyết tâm xoá bao cấp về vốn đối với khu vực sản xuất kinh doanh. Khi hội nhập quốc tế, đã chấp nhận luật chơi bình đẳng, phải chấp nhận mọi quy định, đối xử theo thông lệ chung, có thể bằng sức mạnh vươn lên, với tinh thần tự hào dân tộc, sớm sánh vai với cường quốc năm châu, chúng ta sẽ có được hào khí mới, sức mạnh mới để sớm vượt qua được cái “bẫy” của mức thu nhập trung bình.

PV: Điều hành chính sách tài khoá trong năm 2010 có những điểm gì mới, thưa ông?

PGS.TS Đinh Văn Nhã: Bước sang năm 2010, trước yêu cầu và bối cảnh mới, việc điều hành chính sách tài khoá phải có sự thay đổi hợp lý để tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi kinh tế vững chắc, với tốc độ tăng trưởng cao hơn trong điều kiện phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Các chính sách thuế xuất nhập khẩu sẽ được điều chỉnh tăng ở mức độ hợp lý để hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu để giảm nhập siêu, giảm áp lực cung cầu về ngoại tệ, sẽ tăng thuế suất thuế xuất khẩu nguyên liệu thô, tiếp tục hoàn thiện, đơn giản hoá hơn thủ tục để đẩy nhanh việc hoàn thuế, thực hiện giãn thời hạn nộp thuế một quý đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Các biện pháp trên sẽ được triển khai để vừa tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất trong nước, hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh, vừa đạt mục tiêu phấn đấu tăng thu ngân sách, đồng thời sẽ cơ cấu lại chi NSNN, tập trung nguồn nhân lực nhiều hơn để thực hiện chính sách an sinh xã hội, điều chỉnh tiền lương, đầu tư cho con người, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, các vùng khó khăn, phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn… và chỉ tăng chi đầu tư phát triển ở mức hợp lý, kết hợp với việc xã hội hoá mạnh các hình thức đầu tư công và đầu tư phát triển các dịch vụ công.

PV: Xin ông cho biết trọng tâm trong hoạt động giám sát của Quốc hội ở lĩnh vực Tài chính – Ngân sách trong năm 2010?

PGS.TS Đinh Văn Nhã: Năm 2010 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006 – 2010. Do đó, Quốc hội có nhiệm vụ rất quan trọng, sẽ tập trung nhiều thời gian cho việc thẩm tra, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách giai đoạn 2006 – 2010, mục tiêu, nhiệm vụ tài chính ngân sách của năm 2011 và 5 năm 2011- 2015. Đồng thời Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao tại 2 kỳ họp các chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến việc giải quyết các vấn đề của dân, của doanh nghiệp, trong đó có vấn đề về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, thuế, hải quan; chuyên đề về thành lập, đầu tư xây dựng các trường đào tạo giáo dục đại học. ủy ban Tài chính Ngân sách trong phạm vi thẩm quyền sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề về huy động, phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi giai đoạn 2003 -2010 và về việc thực thi chính sách pháp luật về quản lý dự trữ quốc gia.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hường (Thực hiện)