Điều hành lãi suất, chống lạm phát: Cần có tính kỹ trị
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mục tiêu giảm lãi suất không thực hiện được

Ngay từ đầu năm 2010, đã không ít lần Chính phủ phát đi thông điệp cần phải kiềm chế lạm phát bằng nhiều biện pháp và công cụ chính sách, trong đó có chủ trương giảm dần lãi suất trong nền kinh tế đến mức hợp lý. Nhiệm vụ này được Chính phủ trực tiếp giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chịu trách nhiệm thực thi. Triết lý ở đây có lẽ là khi lãi suất giảm sẽ giúp nền kinh tế mở rộng đầu tư, gia tăng sản lượng, vừa giúp cải thiện công ăn việc làm, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cuối cùng là kiềm chế lạm phát.

Sản lượng gia tăng sẽ đối ứng với lượng cung tiền dôi dư trong nền kinh tế thể hiện qua học thuyết cầu tiền tệ của Fisher, giúp lấy lại trạng thái cân bằng cung – cầu tiền tệ và hàng hóa, tức đạt được mức lạm phát mục tiêu.

Quan điểm này thật đơn giản và nghe có vẻ hiệu quả nhưng thực ra có sự nhầm lẫn ở đây, đó chính là vấn đề cầu đầu tư tư nhân (một yếu tố thuộc tổng cầu) và vấn đề năng suất (một yếu tố thuộc tổng cung). Khi lãi suất giảm sẽ kích thích gia tăng cầu đầu tư khu vực tư nhân. Do cầu đầu tư là một yếu tố của tổng cầu nên khi cầu về đầu tư tăng lên cũng sẽ làm gia tăng tổng cầu.

Nếu tổng cầu tăng lên khi các điều kiện khác không đổi thì tất yếu mức giá chung của nền kinh tế cũng phải tăng lên. Người ta không thể đồng nhất sự gia tăng đầu tư với gia tăng sản lượng được. Sản lượng thực chỉ tạo ra trong trung hoặc dài hạn sau khi nền kinh tế phải tạm thời gánh chịu cơn sốt tăng tổng cầu và tăng giá.

Điều quan trọng hơn không thể bỏ quên ở đây chính là vấn đề năng suất và hiệu quả đầu tư. Nếu đầu tư có hiệu quả thì sản lượng sẽ gia tăng, qua đó không những giúp cho tăng trưởng kinh tế mà bài toán lạm phát cũng do nó tự giải lấy. Ngược lại đầu tư không hiệu quả thì cơn sốt lạm phát nhẹ trước đó không những không được cải thiện mà còn có cơ sở sốt cao hơn và sốt liên miên.

Vấn đề của Việt Nam lại càng đặc biệt hơn khi tác nhân chính đóng góp làm tăng tổng cầu chính là chi tiêu ngân sách của Chính phủ. Để tăng trưởng kinh tế thì cách dễ dàng nhất là tăng chi tiêu chính phủ. Tình trạng thâm hụt ngân sách vẫn cứ tiếp diễn năm này qua tháng khác là một minh chứng cho vấn đề này. Khi chi tiêu chính phủ tăng lên sẽ đóng góp chủ động làm tăng tổng cầu, từ đó cũng làm tăng cầu tiền tệ. Cầu tiền tệ tăng lên, tất yếu tạo áp lực tăng lãi suất, trừ khi cung tiền cũng tăng theo. Khi đó, khu vực tư nhân buộc phải cắt giảm bớt đầu tư và nhập siêu cũng phải tăng lên để phản ứng bị động trước sự gia tăng của tổng cầu do chi tiêu ngân sách chèn lấn.

Như vậy khu vực tư nhân phải chịu hy sinh cho sự bành trướng của chính sách tài khóa và nền kinh tế phải gánh chịu những hậu quả của tình trạng thâm hụt kép từ cán cân ngân sách và cán cân thương mại. Không những chỉ có áp lực về lạm phát và lãi suất mà hệ quả của nó còn là các căng thẳng ngoại tệ, áp lực tỷ giá và sự suy giảm dự trữ ngoại hối quốc gia.

Sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả

Nhìn ở khía cạnh năng suất, vấn đề không chỉ là thâm hụt ngân sách và sự chèn lấn đầu tư khu vực tư nhân. Nguồn lực cho chi tiêu và đầu tư của xã hội luôn có giới hạn nên cần phải chuyển giao cho chủ thể nào có khả năng sử dụng nguồn lực đó một cách tốt nhất. Các giới chức lãnh đạo cũng hiểu như vậy nhưng những gì đang diễn ra thì khác. Một nguồn lực lớn được tập trung vào ngân sách nhà nước nhưng lại được sử dụng quá lãng phí và không hiệu quả. Một phần nguồn lực đó được dùng để chi cho một bộ máy quản lý hành chính quá cồng kềnh, lại đang ngày càng phình to hơn nhưng vận hành thiếu hiệu quả, không đáp ứng được đòi hỏi của tiến trình cải cách hiện nay.

Trong khi phần còn lại được phân bổ cho các dự án đầu tư công cũng không có hiệu quả hoặc nếu có thì tỷ suất sinh lợi quá thấp, thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân và bình quân nền kinh tế; lại còn phân bổ dàn trải, không có cơ chế giám sát đi kèm, gây thất thoát và lãng phí quá mức. Điều này được minh chứng qua hệ số ICOR của khu vực kinh tế nhà nước trong hơn 10 năm qua luôn cao hơn khoảng hai lần so với khu vực tư nhân. Chẳng hạn, nếu tính theo vốn đầu tư thực hiện, hệ số ICOR bình quân 10 năm qua của khu vực kinh tế nhà nước lên đến gần 7,8, trong khi khu vực tư nhân chỉ khoảng 3,5.

Đã đến lúc Chính phủ, NHNN cần thay đổi tư duy kiểu cũ: chuyển đổi và nâng dần tính kỹ trị trong thiết kế, xây dựng và thực thi các chính sách.

Như vậy, khu vực kinh tế nhà nước phải bỏ thêm khoảng 4,3 đồng vốn so với khu vực tư nhân cũng chỉ để làm gia tăng thêm một đồng tăng trưởng. Nếu chuyển 7,8 đồng vốn tăng thêm cho đầu tư của khu vực nhà nước sang cho khu vực tư nhân sử dụng thì có thể nền kinh tế đã làm gia tăng thêm 2 đồng cho tăng trưởng.

Nhìn ở một góc độ khác, 4,3 đồng vốn tăng hơn so với khu vực tư nhân đã được khu vực kinh tế nhà nước sử dụng không hiệu quả. Điều này phần nào thể hiện năng lực quản trị nói chung, năng lực đầu tư vốn và kinh doanh nói riêng của khu vực này là quá kém; hoặc nếu không thì cũng là sự lãng phí, thất thoát có chủ đích, hoặc là do tệ tham nhũng, tham ô mà ra.

Nâng dần tính kỹ trị

Những phân tích trên cho thấy rằng cái gốc của lạm phát cũng như những bất ổn vĩ mô ở Việt Nam thời gian qua chủ yếu nằm ở khía cạnh tài khóa, đó là tình trạng thâm hụt ngân sách và việc sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả. Như thế việc dùng chính sách tiền tệ để điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần nhằm kiềm chế lạm phát thật là mâu thuẫn. Một là, cái gốc của lạm phát chính là do chính sách tài khóa bành trướng quá mức, vậy nên không thể chỉ dùng chính sách tiền tệ thay cho chính sách tài khóa được. Hai là, do cầu tiền tăng nên để duy trì lãi suất không đổi, chưa nói còn phải kéo lãi suất giảm xuống, thì cung tiền cũng phải tăng lên tương ứng. Cung tiền tăng thì không thể đòi hỏi lạm phát phải giảm được.

Thực tế đã cho thấy lãi suất có đôi lúc giảm xuống sau những động thái can thiệp của NHNN trên thị trường mở. Nhưng sự can thiệp như vậy là quá yếu ớt và chỉ có tính chất tạm thời khi chính sách tài khóa vẫn tiếp tục không chịu thắt lưng buộc bụng.

Một điều bất thường cũng cần nói thêm ở đây chính là việc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã nhiều lần nhóm họp để bàn về cái gọi là “sự đồng thuận lãi suất”. Bài này không bàn đến giá trị pháp lý của sự đồng thuận đó cũng như khả năng vi phạm các quy định trong Luật Cạnh tranh của hành vi liên kết có tính chất độc quyền nhóm. Điều muốn nói ở đây chính là sự thất bại của những lần hô hào đồng thuận lãi suất của VNBA.

Sự đồng thuận đó ví như một hợp đồng không có tính ràng buộc hữu hiệu. Sự đồng thuận như vậy tất nhiên sẽ đặt các ngân hàng nhỏ vào tình thế bất lợi so với các ngân hàng lớn. Sở dĩ một số ngân hàng nhỏ cam kết duy trì mức lãi suất theo sự đồng thuận chung là do những áp lực từ phía các ngân hàng lớn, kể cả những lời hứa hẹn không đáng tin về việc sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ trên thị trường liên ngân hàng.

Các ngân hàng nhỏ nhận thấy họ phải tự cứu mình trước và như vậy nguy cơ phá vỡ mức lãi suất đồng thuận chỉ là việc sớm muộn. Bản thân NHNN đã không thành công trong việc kéo mặt bằng lãi suất giảm xuống do phải chịu áp lực quá lớn của mục tiêu lạm phát trong năm.

Trong khi đó, VNBA cũng không có lý do gì để tiếp tục trò chơi đồng thuận lãi suất cả. Lãi suất – cái mà chúng ta đã tước đoạt từ thị trường – nay phải được trả về cho thị trường quyết định. Giảm lãi suất, giảm lạm phát chỉ có thể đạt được trong dài hạn khi những bất cập về mặt cơ cấu được giải quyết một cách căn bản, trong đó vấn đề tài khóa, vấn đề doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế nhà nước, vấn đề hiệu quả đầu tư công phải được cải cách một cách triệt để hơn, thực chất hơn.

Nhân bàn về vấn đề điều hành lãi suất và kiềm chế lạm phát trong năm qua, cũng cần nhìn vấn đề rộng ra rằng đã đến lúc Chính phủ cũng như NHNN cần phải thay đổi lối tư duy kiểu cũ trong điều hành chính sách; cần chuyển đổi và nâng dần tính kỹ trị trong thiết kế, xây dựng và thực thi các chính sách của mình, hạn chế cách điều hành cảm tính, kinh nghiệm và chủ quan. Thế giới đã có nhiều mô hình lý thuyết, nhiều học thuyết có giá trị được đúc kết thì cớ gì không tìm hiểu, học hỏi và áp dụng mà phải đi tìm một cái gì đó thật riêng cho Việt Nam mới được?!

Cũng cần lưu ý rằng, nền kinh tế không cho phép có những thử nghiệm trên nó bởi các tổn hại mà nó có thể gây ra là quá lớn, trong khi hậu quả thì không ai có thể chịu trách nhiệm bởi nó là cả một hệ thống.

Cái gốc của lạm phát cũng như những bất ổn vĩ mô ở Việt Nam thời gian qua chủ yếu nằm ở khía cạnh tài khóa, đó là tình trạng thâm hụt ngân sách và việc sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online