Điều mong đợi nhất của doanh nghiệp lúc này
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thuế chỉ là phần nhỏ

Được lợi và cũng hào hứng nhất với nội dung Nghị quyết 13 vẫn là những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, sắt, thép. Bởi vì, với việc xúc tiến giải ngân vốn đầu tư, khơi thông dòng vốn đầu tư cho các công trình đầu tư công sẽ giúp giải quyết vấn đề hàng tồn kho đối với các doanh nghiệp này.

Theo ông Cao Văn Minh- Giám đốc Công ty TNHH Hùng Minh (Đà Nẵng) tuy chỉ có tác đông gián tiếp cho số ít doanh nghiệp đang bán sản phẩm cho các dự án cơ sở hạ tầng dang dở  như công ty ông, nhưng vấn đề ông đang chờ đợi vẫn là các thủ tục cũng như việc triển khai nội dung Nghị quyết của cơ quan quản lý như thế nào.

“Thông tin đã biết nhưng cũng phân vân không biết công ty mình có được hưởng chính sách hay không. Dù thế, tuy cầm chừng nhưng vẫn phải sản xuất, bán thì lỗ, không bán thì càng lỗ nếu không bán lấy đâu ra chi phí thanh toán cho nhân công, vận hành máy móc và cả việc phải dành ra một khoản để cuối năm còn trả nợ thuế”, ông Minh nói.

Còn ông Phùng Đức Lâm-Giám đốc công ty BĐS Sơn Lâm (Hà Nội) cho biết, sẽ không nhiều doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế bởi với các dự án bất động sản thì việc giãn thuế giá trị gia tăng từ 4-6 tháng chỉ có ý nghĩa khi các dự án được bán ra và doanh nghiệp thu hóa đơn về.

“Đặc thù của xây dựng cơ bản thì phải xong từng hạng mục của công trình, chủ đầu tư thanh toán, lúc đó mới xuất hóa đơn. Nhưng hiện nay nhiều chủ đầu tư cũng bị “treo”vốn ngay tại ngân hàng thì làm sao có tiền để trả, và việc giãn thuế giá trị gia tăng cũng khó để doanh nghiệp được hưởng”, ông Lâm chia sẻ.

Vì vậy, ông  Lâm cho rằng: “Nếu được, mong muốn của hầu hết các doanh nghiệp là Nhà nước xem xét miễn-giảm thuế gián thu, chẳng hạn giảm 50% thuế giá trị gia tăng của năm 2012 này may ra mới đủ điểu kiện để chúng tôi tiếp tục giảm giá bán”.

Trong khi đó, với việc  giảm 30% thuế thu nhập nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng khó cứu được tính trạng “giãy chết” của doanh nghiệp. Theo họ,  thuế cũng chỉ là một phần nhỏ trong chi phí sản xuất của doanh nghiệp, kể cả chính sách hạ lãi suất lúc này chưa chắc đã giải quyết hết gánh nặng cho doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng hiện nay là hàng tồn kho chất đống mà sức của doanh nghiệp không thể tự mình giải phóng được.

“Vì vậy cứu doanh nghiệp lúc này cần nhất vẫn là làm sao kích cầu đẩy mạnh tiêu dùng trong dân”, ông Minh chia sẻ.

Kích cầu tiêu dùng

Theo hầu hết doanh nghiệp, việc họ có thể làm để kích cầu tiêu dùng chỉ có thể là giảm giá 10-20% (như các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã và đang làm), hay khuyến mại, tặng quà như những doanh nghiệp bán lẻ vẫn duy trì từ đầu năm đến nay. Nhưng xem ra đều không tác dụng trong điều kiện sức mua của người dân đã giảm nghiêm trọng. Người dân đang trong tâm lý thắt chặt chi tiêu.

Lúc này, doanh nghiệp chỉ trông chờ vào các giải pháp đồng bộ của Chính phủ. Mà theo ông Lâm, để giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp bên cạnh việc hạ lãi suất cho vay cho đối tượng doanh nghiệp ưu tiên, thì vay tiêu dùng cho người dân cũng nên được nới rộng hơn.

“Rõ ràng khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của người dân khi họ không dám chi tiêu, và không có khả năng chi tiêu. Một khi giải quyết được sức mua thì doanh nghiệp mới có cơ hội có tiền trả nợ ngân hàng, dòng tiền mới luân chuyển được vào sản xuất”, ông Lâm bày tỏ.

Ý kiến khác cũng cho rằng, hàng tồn kho chính là tài sản của doanh nghiệp nên phải cho phép họ thế chấp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hạ giá thành, khôi phục sản xuất, từ đó mới có thể thu hút lao động, tạo thêm công ăn việc làm.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, giảm thuế sẽ thực sự có ý nghĩ nếu giá thành hạ và như thế sẽ tạo được sức mua cho người dân.

“Để giảm được hàng tồn kho thì phải tăng khả năng thanh toán, tăng tiền thu nhập cho người dân để tăng chi tiêu dùng; đồng thời cải thiện tâm lý của người tiêu dùng. Đồng thời cũng nên tác động vào giá. Nếu không từ nay đến cuối năm giá cả hàng hóa vẫn tăng cao thì việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp cũng không có tác dụng”,ông Ánh cho biết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng cần thêm có sự hướng dẫn về tiêu dùng, mở rộng thị trường về nông thôn, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu thay vì chỉ gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của quý 2/2012, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2011 và cần mở rộng hơn nữa đối tượng được miễn giảm thuế./.

Thành Tâm
Nguồn: Báo Điện tử Tổ quốc