DN chấm điểm bộ, ngành: Còn xa mới tới kỳ vọng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cải cách không đồng nghĩa với cầu thị

Quá trình cải cách thủ tục hành chính của VN thời gian qua đã đạt được những thành tựu lớn. Nền hành chính của VN đã có những thay đổi quan trọng. Đơn cử như thủ tục đăng ký kinh doanh thành lập DN, trước giai đoạn Luật DN 1999 mất hàng tháng trời, sau này rút ngắn còn 15 ngày, 7 ngày và hiện nay tối đa là 5 ngày. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Nhìn từ MEI 2011, TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, các bộ dù rất tích cực cải cách thủ tục hành chính nhưng thái độ cầu thị lại chưa thật sự được DN đánh giá cao. Theo MEI, với chỉ số “xây dựng pháp luật”, giới doanh nghiệp đánh giá các bộ khá tốt. Cụ thể, chỉ tiêu lấy ý kiến góp ý khi xây dựng pháp luật của các bộ đều đã có cải thiện. Tuy nhiên, mức độ cầu thị của các bộ chưa cao, do vậy không bộ nào được xếp loại tốt, hầu hết chỉ ở mức khá và trung bình. Chính vì vậy, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Trần Hữu Huỳnh cho biết, mức độ cầu thị của các bộ nói chung là yếu, văn hóa đối thoại giữa nhà nước và các DN còn chưa phổ biến. Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, có nhiều trường hợp việc xin ý kiến góp ý văn bản pháp luật của các bộ còn mang tính hình thức.

Với cách nhìn này rõ ràng thủ tục hành chính của VN cần phải có những chuyển biến nhanh chóng và thực chất hơn nữa. Chẳng hạn, những công bố về cắt giảm thủ tục “này kia” thật ra sẽ không khiến DN quan tâm nếu những cắt giảm đó không thực sự vì lợi ích DN, lợi ích của cộng đồng.

Và thực tế cần phải là nơi kiểm nghiệm kết quả mọi thành công trong các thay đổi về thủ tục hành chính. Khó có thể đánh giá thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng đạt được yêu cầu khi đây là lĩnh vực mà người dân và DN đang có nhiều bức xúc nhất. Kết quả điều tra gần 10 ngàn DN của VCCI năm 2009 thì đây là 2 trong số 4 nhóm thủ tục bị đánh giá phiền hà nhất. Kết quả cuối cùng của mọi cuộc cải cách không phải là những báo cáo, con số xơ cứng mà chính là sự hài lòng của DN và người dân bên cạnh mục tiêu đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước.

Hơn thế, chính vì sự… thiếu cầu thị mà luật pháp chậm đi vào cuộc sống. Hiện nay, trong khoảng 24.600 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành chỉ có vẻn vẹn trên dưới 200 văn bản là các đạo luật do Quốc hội thông qua. Như vậy, các văn bản dưới luật chiếm một tỷ lệ áp đảo trong hệ thống pháp luật của nước ta. Tình trạng này xảy ra một phần do các đạo luật chúng ta ban hành thường chỉ là luật khung. Một đạo luật lại cần phải có rất nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Ví dụ Luật đất đai chẳng hạn, phải có tới hàng trăm văn bản dưới luật để cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành. Với cách làm như vậy, pháp luật chậm đi vào cuộc sống là điều hoàn toàn dễ hiểu. Ngoài ra, còn do cách làm luật thiên về mong muốn chủ quan hơn là xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống. Đặc biệt, hiện nay, chương trình lập pháp đang được xây dựng trên cơ sở các kiến nghị của các bộ, ngành. Vấn đề đặt ra là các kiến nghị này đã thật sự xuất phát từ cuộc sống chưa, hay chỉ từ mong muốn của cơ quan, bộ ngành được có thêm quyền năng và thêm công cụ quản lý?

Tư duy nhiệm kì

Ba nội dung chính mà cộng đồng DN kỳ vọng các Bộ nhanh chóng cải thiện và nâng cao hiệu quả: Thứ nhất là cải thiện và nâng cao chất lượng quy trình lấy ý kiến xây dựng pháp luật. Tiếp đến phải nâng cao hiệu quả hoạt động rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật và cuối cùng là tăng cường công khai thông tin pháp luật và khả năng tiếp cận thông tin cho DN.

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI

Rõ ràng, nhiều năm trở lại đây, chúng ta đã liên tục tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật và thủ tục hành chính song vẫn nảy sinh hàng loạt các bất cập, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.

Các điều tra từ chỉ số niềm tin DN gần đây vẫn chỉ ra DN gặp nhiều khó khăn hơn về các thủ tục hành chính, bị gây phiền hà và cản trở…

Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn nhận xét, những năm gần đây, tư duy nhiệm kì và tư duy lợi ích nhóm đã có tác động nhất định vào việc soạn thảo luật, nghị định và rõ hơn là trong các thông tư. Từ tư duy làm luật chưa được sáng tỏ cho nên dẫn đến tình trạng lùng nhùng trong việc soạn thảo các luật. Cách đây 10 năm chúng ta từng nói luật có 6 cái “không”: không thống nhất, không minh bạch, không công khai… đến bây giờ vẫn có ý nghĩa.

Theo nhiều chuyên gia, hướng giải quyết cho vấn nạn trên là khi xây dựng luật phải cụ thể hơn nữa, đến nghị định chỉ là hướng dẫn một số điều trong luật và tốt nhất là xóa hẳn thông tư. Nếu buộc phải còn thông tư thì chỉ nên là văn bản hướng dẫn về hợp đồng mẫu, nghiệp vụ, kỹ thuật tính toán, tuyệt nhiên không đề cập về chính sách trong thông tư. Bên cạnh đó, để tăng dần tính hiệu lực trong việc thi hành luật, Quốc hội hiện nay có chủ trương rất đúng đắn là cố gắng giải quyết dần các luật khung, tăng dần các luật có tính hướng dẫn. Đây là bước đi tiến bộ để tránh việc luật bị méo mó trong quá trình thực hiện, hạn chế tối đa khả năng người thi hành luật có thể đứng ra bảo hộ quyền lợi cho một nhóm lợi ích nào đó. Nếu làm được những điều trên sẽ nâng cao tính thống nhất và tôn nghiêm của các đạo luật, hạn chế việc hướng dẫn các quy định “lạ” trong việc thực hiện luật sau đó.

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, từ kết quả MEI 2011 cho thấy một xu hướng bất hợp lý trong hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các Bộ là thường nỗ lực tập trung cho những hoạt động pháp luật phức tạp mà buông lỏng các hoạt động dễ thực hiện hơn nhưng lại mang hiệu quả có ý nghĩa khồng hề kém hơn.

Cần một sự khác biệt

TS Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, nếu so sánh các Bộ với nhau cho thấy không có Bộ tụt hậu nhưng cũng không có Bộ nổi trội. Điều đáng chú ý là hiện tượng các Bộ dàn hàng ngang trong hiệu quả hoạt động pháp luật không chỉ diễn ra ở chỉ số tổng hợp MEI 2011 mà ở hầu như trong tất cả các chỉ số thành phần. Nếu lấy mốc 20% cho sự thay đổi về thang bậc trong 6 thang bậc của MEI  thì không có chỉ số thành phần nào mà Bộ đứng đầu trên Bộ đứng cuối một thang bậc về hiệu quả hoạt động.

TS Vũ Tiến Lộc khẳng định:  Một bức tranh không tối nhưng cũng không sáng, với việc các Bộ chỉ đạt mức trung bình, vừa đủ để đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng còn khá xa về hiệu quả so với kỳ vọng của cộng đồng DN. Thực tế này cho thấy, cộng đồng DN còn kỳ vọng nhiều hơn vào nỗ lực cải cách và đổi mới từ phía các Bộ ở tất cả các hoạt động.

MEI 2011 cho thấy, để đáp ứng yêu cầu phát triển, rất cần nhiều nỗ lực cải cách từ tất cả các Bộ, ở tất cả các khía cạnh của hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật. Những nỗ lực này không chỉ trong việc hoàn thiện phương thức hoạt động, nâng cao năng lực chuyên môn pháp luật mà còn cả những chuyển biến cơ bản trong quan điểm của các Bộ, đặc biệt về thực hành dân chủ, phối hợp công – tư cũng như hiệu quả thực chất trong các hoạt động này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan :

Tôi vừa ở TP HCM tham dự khóa tập huấn cho các hiệp hội DN về vận động chính sách. Hầu hết hiệp hội đều nói rằng, làm việc này chán ngán lắm, vì họp hành rất nhiều nhưng được tiếp thu rất ít. Theo cảm nhận của tôi, các cơ quan nhà nước bị bệnh “điếc” khá nặng. Có khi tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến nhưng có tiếp thu ý kiến đó không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Điều này làm cho kết quả tham vấn cũng hạn chế đáng kể

Chính vào lúc này và hơn bao giờ hết, các Bộ phải tập trung cao hơn nữa và thực hiện chức năng đích đáng, nhiệm vụ hàng đầu của mình là xây dựng, thiết kế chính sách pháp luật chứ không phải chạy theo dự án đầu tư… Tiếc rằng, mảng xây dựng pháp luật đối với các Bộ hiện nay vẫn còn khiêm tốn. Các Bộ đều có Vụ Pháp chế nhưng dường như vai trò của Vụ này lại rất nhỏ so với các vụ khác.

Thực tế, Nhà nước đầu tư khá nhiều vào việc đào tạo con người và xây dựng hệ thống pháp luật. Không những thế, các tổ chức nước ngoài cũng hỗ trợ các dự án này khá nhiều.

Năng lực, trình độ, điều kiện được nâng lên như vậy nhưng tại sao hệ thống pháp luật của mình vẫn ở tình trạng “thường thường bậc chung”. Một đất nước muốn phát triển thì không thể hài lòng với hệ thống pháp luật về kinh doanh được đánh giá ở mức độ thế này.

  Bá Kiên
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp