DN cơ khí nước ngoài lạc quan với thị trường Việt Nam
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại Triển lãm về chế tạo và cơ khí chính xác lần thứ 3 tại khu vực miền Bắc – MTA Hanoi 2014, ông Christian Braun, Giám đốc điều hành công ty DMG Mori Việt Nam chuyên sản xuất máy tiện vạn năng, cho biết những năm gần đây công ty ông đạt mức tăng trưởng trên 20%/năm.

Theo ông Christian Braun, ngành cơ khí Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển khi máy móc thiết bị trong ngành này đã lỗi thời và cần thay thế.

Bystronic, một công ty của Thụy Sĩ, chuyên sản xuất các loại máy cắt laser, máy cắt tia nước, cũng có mặt tại triển lãm MTA lần này. Ông Philip BC Loh, Giám đốc quản lý khu vực Châu Á của Bystronic, cho biết công ty đã có mặt tại Việt Nam được bốn năm với hai văn phòng đại diện đặt tại Hà Nội và TPHCM.

“Chúng tôi đã nghĩ tới việc mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam vào năm 2015 khi Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) thành lập. Khi đó, Việt Nam có thể là căn cứ điểm sản xuất hàng hóa của Bystronic để xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN,” ông Philip BC Loh nói.

Ông Takahito Otsu, Tổng giám đốc Mazak tại Việt Nam nhận định “ngành khuôn mẫu tại Việt Nam có triển vọng phát triển rất tốt. Hiện đang có làn sóng các doanh nghiệp chuyển căn cứ điểm sản xuất từ Thái Lan, Trung Quốc sang Việt Nam, Lào, Myanmar do chính trị ổn định và nhân công rẻ. Chính vì vậy nhu cầu về cơ khí chính xác là rất lớn.”

Hiện nay, Mazak có hai nhà máy tại Nhật Bản và Singapore nhưng chi phí nhân công ở đó rất lớn. Vị đại diện Mazak cho hay, công ty sẽ nghĩ tới việc mở nhà máy tại Việt Nam để đón đầu các cơ hội từ AEC cũng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Triển lãm lần này cũng có sự tham dự của 16 công ty của Cộng hòa Séc, với mục đích tìm kiếm đối tác kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Ông Petr Zemanek, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Cộng hòa Séc cho hay tân Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại của quốc gia ông đang khuyến khích các doanh nghiệp sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.

“Một mặt chúng tôi có thể cung cấp thiết bị cho ngành cơ khí. Mặt khác có thể cung cấp công nghệ để sản xuất các thiết bị đó cho đối tác Việt Nam,” ông Petr Zemanek nói.

Có 143 doanh nghiệp từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Triển lãm về chế tạo và cơ khí chính xác lần thứ 3 tại khu vực miền Bắc – MTA Hanoi 2014. Triển lãm diễn ra từ ngày 1 đến 3-4 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Hà Nội (I.C.E), TP Hà Nội. Triển lãm trưng bày, giới thiệu những thiết bị và các giải pháp sản xuất như máy công cụ, dụng cụ cắt, thiết bị kiểm tra và đo lường…

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/112744/DN-co-khi-nuoc-ngoai-lac-quan-voi-thi-truong-Viet-Nam.html