DN Hàn Quốc được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như công dân VN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đưa ra những thắc mắc về hệ thống pháp luật của Việt Nam; những chính sách của chính phủ Việt Nam về vấn đề bảo hộ SHTT; các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT; họ có thể liên lạc với ai để được bảo vệ quyền SHTT và thủ tục đăng ký ở đâu?…   Những câu hỏi của doanh nghiệp Hàn Quốc đã được ông Nguyễn Văn Bảy – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam giải đáp một cách cụ thể. Về hệ thống pháp luật, ở Việt Nam những quyền được bảo hộ là những tác phẩm văn học nghệ thuật, quyền biểu diễn, băng ghi âm, băng hình, đĩa hình…Pháp luật của Việt Nam cũng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, mẫu mã của sản phẩm, Trade marks, mạch IC…   Ông Nguyễn Văn Bảy – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đang giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc   Ông Bảy cũng “bật mí” với các doanh nghiệp Hàn Quốc, ở Việt Nam có rất nhiều cơ quan giải quyết vấn đề SHTT, vấn đề là ở chỗ, các doanh nghiệp Hàn Quốc cần chọn một cơ quan duy nhất để nộp đơn giải quyết, đừng nộp nhiều đơn cùng một lúc để tránh đùn đẩy trách nhiệm. Cụ thể đối với quyền tác giả và quyền liên quan thì ở trung ương có Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ở địa phương, các tỉnh thì có các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì có phòng Copyright office chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến bản quyền như bản quyền phần mềm, xuất bản, xuất nhập khẩu sách báo..   Đối với đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, thiết kế mạch IC, trade marks… nó thuộc về quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Dưới bộ này có Cục SHTT. Tất cả các thủ tục liên quan đến sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu thì chỉ duy nhất có cơ quan Cục SHTT làm tại Việt Nam. Còn về các giống cây trồng mới thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bảo vệ.   Cũng tại hội thảo, ông Tạ Quang Minh – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam khẳng định: “Trong thời gian tới, ngoài việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ, Cục SHTT đã và sẽ ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành chính sách, pháp luật hiện hành cho các doanh nghiệp để họ có thể khai thác hiệu quả hệ thống bảo hộ SHTT phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh”.    

Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã được nâng lên tầm cao mới với nhiều chuyến thăm chính thức của các nhà lãnh đạo hai nước. Hàn Quốc đã trở thành một đối tác kinh tế ngày càng quan trọng của Việt Nam.   Sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO và Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Hàn Quốc được ký kết năm 2007, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng lên đáng kể, từ 7,2 tỷ USD trong năm 2008 lên đến 9,5 tỷ USD năm 2009. Theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2010, kim ngạch song phương giữa hai nước đạt 5,6 tỷ USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,1 tỷ USD.   Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Hàn Quốc cũng là nước có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam với hơn 2.495 dự án và tổng số vốn đầu tư đăng ký là 21,99 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2010, có 99 dự án của Hàn quốc được cấp phép với tổng đầu tư 2,214 tỷ USD.   Những số liệu trên cho thấy, thực trạng cũng như tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc là rất lớn.

Lưu Vân
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp