DN nhập khẩu nông sản có thể được hoàn thuế GTGT
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trao đổi với doanh nghiệp tại buổi đối thoại doanh nghiệp và Cục Hải quan TPHCM diễn ra hôm nay, 24-4, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng thuế xuất nhập khẩu cho biết, đây là quan điểm của Bộ Tài chính trước tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản trong thời gian vừa qua.

Theo ông Toản, Bộ Tài chính sau khi có văn bản xin ý kiến từ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quan điểm các mặt hàng là sản phẩm trồng trọt chưa qua sơ chế, các mặt hàng là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (trong đó có bắp) sẽ không phải chịu thuế GTGT 5%.

“Ở thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính chưa có văn bản chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, tinh thần là như vậy nên các doanh nghiệp nhập khẩu bắp đã nộp thuế GTGT 5% theo yêu cầu của cơ quan hải quan sẽ được hoàn thuế khi có quyết định. Cơ quan hải quan cũng sẽ xác nhận cho doanh nghiệp việc này để doanh nghiệp đến cơ quan thuế làm thủ tục”,  ông Toản nói thêm.

Trong thời gian qua, theo phản ánh của một số doanh nghiệp tại buổi đối thoại, khi nhập khẩu mặt hàng bắp hạt, họ đã bị cơ quan hải quan tại cảng buộc nộp thuế GTGT 5% mới được nhận hàng. Trong khi đó, theo quy định tại điều 4, Thông tư 219//2013/TT-BTC ban hành ngày 31-12-2013 hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT sửa đổi, đây lại là mặt hàng không chịu thuế.

Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, ông Toản cho biết, cơ sở để cơ quan hải quan áp thuế là điều 10 cùng thông tư trên. Nguyên nhân là cách diễn đạt trong thông tư 219 về nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi giống nhau, bản thân Luật Thuế GTGT lại cũng không có phần giải thích từ ngữ.

Sau những vướng mắc của doanh nghiệp, cơ quan hải quan đã báo cáo cấp trên. Bộ Tài chính sau đó đã có công văn xin ý kiến của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc áp thuế, tên sản phẩm sao cho chính xác.

Trước đó, như Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã thông tin, hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng như mủ cao su sơ chế, bắp, lúa mì… bị cơ quan hải quan đánh thuế GTGT 5% hoặc bị cơ quan thuế từ chối hoàn thuế.

Nguyên nhân đều nằm ở việc các quy định trong các điều khoản khác nhau của thông tư 219 do Bộ Tài chính ban hành mâu thuẫn khiến mỗi cơ quan, mỗi địa phương hiểu một kiểu.

Các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội ngành nghề của mình đều đã có văn bản kiến nghị lên các cơ quan chức năng để nhờ tháo gỡ.

(Cập nhật vào chiều ngày 25/4)

Thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT

Liên quan đến việc mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) của mặt hàng thức ăn chăn nuôi, Bộ Tài chính vừa qua đã có công văn số 5165/BTC-TCHQ gửi cục hải quan và cục thuế các tỉnh thành, chính thức khẳng định mặt hàng này không chịu thuế GTGT khi nhập khẩu.

Công văn này nêu rõ, sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân nhập khẩu dùng làm thức ăn chăn nuôi (kể cả nhập khẩu về để sản xuất thức ăn chăn nuôi) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật thuế GTGT.

Trường hợp, doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu thì được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đã nộp khi bán ra theo đúng chế độ quy định.

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi giảm mạnh

Theo số liệu của Cục Hải quan TPHCM, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong 3 tháng đầu năm nay đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, lúa mì giảm 48%; bắp giảm 31,2%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 24,8%.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/114012/DN-nhap-khau-nong-san-co-the-duoc-hoan-thue-GTGT-%28cap-nhat%29.html