Dán tem bia: Doanh nghiệp phản đối, cơ quan quản lý “đã tính toán”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia do Hiệp hội Bia-rượu-NGK Việt Nam tổ chức ngày 12/11, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, quy định dán tem bia sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và kéo theo việc tăng giá thành, giảm lợi nhuận, giảm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi Việt Nam đang chuẩn bị tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại.

Quan trọng nhất, khi chi phí từ việc dán tem tăng lên thì cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải trả tiền nhiều hơn và người muốn uống bia phải chịu.

Đồng thời ông Việt cũng cho rằng, việc dán tem bia để quản lý hàng giả, hàng lậu, truy nguồn gốc và quản lý thuế là không thực tế, bởi tại Việt Nam các công ty bia lớn như Sabeco, Habeco, Heineken, Carlsberg… đã chiếm 96 – 98% thị phần.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Công ty nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng phản đối quy định dán tem cho bia với lý do nếu dán tem sẽ tốn khoảng 920 tỷ đồng/năm, tức là trung bình 696 đồng/lít bia. 

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Việt và đại diện các hãng bia như Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội “đấu tranh” nhằm bỏ quy định dán tem bia.

Theo tính toán trước đó của đại diện Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) với sản lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 3 tỷ lít/năm, tương đương 10 tỷ đơn vị phải dán tem/năm. Và với 160 đồng/con tem, Việt Nam sẽ cần 1.600 tỷ đồng/năm cho việc dán tem bia.

Tuy nhiên, đại diện từ Bộ Công thương, Bộ Tài chính lại cho rằng quy định dán tem bia là cần thiết. 

Cụ thể, ông Huỳnh Văn Nam, Trưởng phòng chính sách thuế (Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính ủng hộ việc dán tem đồng thời đề nghị Bộ Công thương bổ sung làm rõ thêm một số vấn đề trong quy định dán tem bia như về công nghệ, máy móc, kỹ thuật để dán tem như thế nào. 

“Nếu doanh nghiệp chịu chi phí này thì cũng không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động hay người tiêu dùng, chỉ là doanh nghiệp giảm một chút về mức lãi mà thôi, chúng tôi đã có tính toán kỹ vấn đề này”, ông Nam nói. 

Cũng tại cuộc hội thảo, ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), đơn vị giữ vai trò chính trong việc xây dựng dự thảo Nghị định cho biết, đã thành lập một tổ liên bộ hoàn thiện đến bước xây dựng hồ sơ mời các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài cung cấp trang thiết bị để dán tem. 

Nguồn: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/dan-tem-bia-doanh-nghiep-phan-doi-co-quan-quan-ly-da-tinh-toan-570712.html