DN vàng bạc đá quý : Băn khoăn về thuế GTGT
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mới đây, DĐDN có loạt bài về việc Chi cục Thuế quận 1 (TP HCM) bị xử thua kiện khi áp dụng phương pháp khấu trừ với Cty TNHH kim cương Kita. Nhiều DN tỏ ra lo ngại tiếp tục có trường hợp này xảy ra.

Thắc mắc và lo lắng

Một Cty kinh doanh vàng bạc, đá quý (VBĐQ) lớn nhất nhì VN (xin không nêu tên) gởi công văn cho Cục Thuế TP HCM cho biết hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh VBĐQ của Cty từ trước đều được tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp (tiền lãi nhân 10%). Tuy nhiên, Thông tư 129/2008/TT- BTC ngày 26/12/2008 hướng dẫn thi hành một số điều Luật quản lý thuế GTGT theo Nghị định 123/2008/NĐ – CP hướng dẫn DN kinh doanh VBĐQ có gia công chế tác thì hạch toán riêng phần gia công chế tác để  tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (10% của giá bán), phần mua bán đơn thuần thì tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Nhưng điều DN băn khoăn là: “Thế nào là hoạt động chế tác, tách theo cách nào?”.

Thực tế là bất cứ Cty kinh doanh VBĐQ nào cũng phải có chế tác gia công. Thậm chí, kinh doanh vàng miếng cũng phải nhập khẩu vàng khối về để chế tác ra các miếng vàng 1 chỉ đến 1 lượng. Để gia công, DN mất nhiều chi phí về máy móc, dây chuyền sản xuất tinh vi để sản phẩm đạt độ sắc nét, không thể làm giả… 

Do từ trước đến nay tất cả các DN kinh doanh VBĐQ đều tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp hoặc phương pháp khoán (0,2% của tổng doanh thu) nên các DN thắc mắc những hoạt động chế tác trên có phải là hoạt động “chế tác” phải tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hay không ? Nếu tính thuế GTGT bằng phương pháp khấu trừ thì liệu các DN này có bị phạt và truy thu trong 5 năm gần đây nhất (như trường hợp Cty Kita) hay không ? Hơn nữa, DN cũng không hiểu cách tách riêng phần gia công chế tác với phần kinh doanh đơn thuần, và cho rằng việc tách như vậy là khó khả thi.

DN sẽ phá sản  

Đó là khẳng định của một số DN và chuyên gia về thuế. Các DN cho biết, từ trước đến hết năm 2008, toàn bộ hoạt động kinh doanh nói chung của các Cty kinh doanh VBĐQ đều được tính thuế GTGT trực tiếp… Nếu thực hiện theo Thông tư 129, NĐ 123 thì sẽ rất khó cho DN.

Thứ nhất, hai hoạt động gia công chế tác và mua bán đã hòa trộn chung trong hoạt động kinh doanh. Một chuyên gia về thuế phân tích, phải hiểu rằng hoạt động kinh doanh trong ngành VBĐQ bao gồm cả mua bán và gia công chế tác, không thể tách riêng.

Thuế GTGT khấu trừ 10% trên giá bán với các DN ngành kinh doanh khác có thể chấp nhận được, do thuế này đánh vào người mua, dễ thấy nhất trên các hóa đơn tính tiền tại các siêu thị. Nếu là DN đi mua nguyên liệu, sẽ được hoàn lại khoản thuế này. Riêng ngành kinh doanh VBĐQ là ngành có giá vốn cực cao nhưng chênh lệch giữa giá vốn và giá bán cực thấp, tỷ lệ lãi gộp trên doanh thu cao nhất cũng chỉ khoảng 0,5%. Ví dụ như tỷ lệ lãi gộp trung bình 5 năm (2005 – 2009) của Cty VBĐQ Sài Gòn SJC là 0,53%.  Ngoài ra, nếu thuế GTGT khấu trừ đánh vào người mua, thì giá bán sẽ tăng thêm hiện nay trên 3 triệu đồng/lượng vàng thì người mua không chấp nhận, bị thiệt thòi vì không được hoàn thuế GTGT.  Thực tế hiện nay, giá bán VBĐQ của các tiệm vàng đều không tính thuế GTGT. Ngoài ra, tính thuế GTGT khấu trừ sẽ buộc các DN phải khai thuế theo hình thức khoán doanh thu để được chịu thuế GTGT 0,2%  theo cách tính hiện nay, dù cách tính này kém minh bạch,dễ nảy sinh tiêu cực !

Hơn nữa, nếu kiểm tra lại cách tính thuế GTGT khấu trừ, phạt và truy thu số thuế vi phạm thì DN kinh doanh VBĐQ sẽ phá sản, sụp đổ thị trường VBĐQ…

Thiết nghĩ, nộp thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của người nộp thuế để xây dựng – bảo vệ đất nước. Nhưng phải tính thuế làm sao để nuôi dưỡng nguồn thu, tính thuế sao cho DN có thể tiếp tục kinh doanh.

Khắc Dũng
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp