Dòng tiền ngân hàng và những hệ luỵ của nó trong năm 2010
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng của năm 2009 đã lên đến 37,73%, trong khi đó, tổng huy động vốn chỉ tăng 28,70%. Mất cân đối đầu vào và đầu ra là thực tế khiến các ngân hàng khó tránh khỏi nguy cơ thiếu vốn. Các ngân hàng thương mại đã chạy đua với nhau về lãi suất huy động từ đầu năm do các chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ như tăng dự trữ bắt buộc, duy trì lãi suất cơ bản thấp để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, kiềm chế tăng trưởng tín dụng, điều hành tỷ giá ngoại tệ,… và vào thời điểm cuối năm lại tiếp tục cuộc chạy đua trên với cường độ ngày càng khốc liệt.

Lãi suất cơ bản hiện nay là 8%/năm, trần lãi suất cho vay dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh tương ứng là 12%/năm (150% LSCB), chi phí để có một khoản cho vay đạt mức huề vốn trung bình của một NHTM là vào khoảng 1,5% – 2%. Vậy một khoản cho vay 12%/năm thì NHTM chỉ có thể có lời khi huy động nguồn vào ở mức 10,5%/năm trở xuống. NHNN đã biết rất rõ điều này nên đã chỉ đạo là kiên quyết xử lý các NHTM nào huy động vượt trên mức 10,5%/năm. Nhưng thực tế bên ngoài thị trường huy động vốn mấy ngày gần đây hoàn toàn khác xa với yêu cầu của NHNN, gần như tất cả các NHTM dù lớn hay nhỏ đều đã niêm yết lãi suất huy động các kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống lên tối đa là 10,49%năm (thậm chí là 10,499%/năm). Ngoài lãi suất công bố thì các NHTM đều có nhưng khoản “lách” bằng chi phí khuyến mãi, chi phí hoa hồng, khấu chi, chi phí XYZ,…. và lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng VNĐ thực tế đã đạt mức trung bình là  12%/năm. Lãi suất liên NH (lãi suất qua đêm) mấy ngày này đã vọt lên mức 28%-30%/năm.

Vậy tại sao phải huy động bằng mọi giá, ngay cả khi các NHTM đều hiểu là huy động nguồn như trên đều sẽ đối diện với mức lỗ từ 1,5%-2% khi cho vay ra, vấn đề ở chỗ:

1. Phải bằng mọi giá xóa ngay sự mất thanh khoản, hay chênh lệch tài sản có và tài sản nợ trên báo cáo tài chính. Một dấu hiệu nhỏ của vấn đề trên nếu thể hiện ở BCTC năm của một NHTM nào đó cũng đồng nghĩa với việc thang điểm về xếp hạng rủi ro của NH đó (do các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá) sẽ bị ảnh hưởng và vấn đề này sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy.

2. Các NHTM tuy huy động lãi suất cao, nhưng vẫn có thể cho vay với lãi suất cao hơn trần LS cho vay 12% bằng các sản phẩm cho vay tiêu dùng, hoặc bằng các chiêu “lách” thường thấy như: Các loại Phí dịch vụ kèm theo hồ sơ vay, các hợp đồng tư vấn khách hang, v.v…

3. Trường hợp xấu nhất là các NHTM vẫn buộc phải huy động lỗ để tiếp tục cung cấp vốn cho các HĐTD đã cam kết với các khách hàng truyền thống, khách hàng VIP, nhằm giữ được uy tín trong kinh doanh, giữ được chân khách hàng.

Hiện nay, các NHTM lớn, NHTM quốc doanh với mạng lưới giao dịch phục vụ huy động vốn ở khắp nơi và quan trọng là nắm giữ khá nhiều lượng trái phiếu Chính Phủ nên tính thanh khoản rất tốt và vì thế vào thời điểm khó khăn này các NHTM lớn không những luôn ổn định thanh khoản mà còn đại gia trên thị trường liên ngân hàng, trong khi một số ngân hàng khác phải đôn đáo xoay xở nguồn và chấp nhận mức chi phí vốn khủng khiếp.

Phương hướng chủ đạo điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cho năm 2010: “Sẽ tiếp tục thắt chặt”. Có thể nhìn chung ở 03 điểm chính như sau:

1. Tiếp tục thắt chặt tín dụng, điều chỉnh giảm các chỉ tiêu tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng năm 2009 là 37,73% giảm xuống chỉ còn 25% trong năm 2010. NHNN cũng yêu cầu hệ thống TCTD không được hạ thấp các điều kiện cho vay và kiểm soát chặt chẽ vốn cho vay lĩnh vực phi sản xuất (cho vay tiêu dùng, chứng khoán, bất động sản…).

2. Tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng trong năm 2009 là 28,7% và sẽ giảm còn 25% cho năm 2010.

3. Có khả năng sẽ điều chỉnh nâng hệ số an toàn của các NHTM (bao gồm các tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, tỉ lệ vốn thanh toán và các tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro, dữ trữ bắt buộc…).

Ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản:

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2010 chắc chắn là để phục vụ cho các định hướng tăng trưởng kinh tế vĩ mô của chính phủ. Với những định hướng mang mục tiêu là lành mạnh hóa một số thị trường mang nhiều tính bất ổn, bong bóng, tăng cường nội lực thật sự của nền kinh tế sản xuất, do đó các thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng. Các sản phẩm tài chính phái sinh chắc chắn cũng sẽ bị kiểm soát cực kỳ chặt chẽ nhằm kiểm soát không cho hiện tượng bong bóng ảo xuất hiện.

Dự đoán, trong năm 2010 những quy định – chính sách về quản lý đối với các thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng sẽ được Chính Phủ hệ thống lại và tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nhằm lành mạnh hoá tránh tình trạng sốt nóng mang tính chất đầu cơ.

Nguyễn Thanh Tú – VNTA