Đánh giá tác động của VBQPPL để giảm gánh nặng cho nền kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo thống kê của Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI), số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành ở Việt Nam từ năm 1992 đến nay không ngừng gia tăng, đặc biệt năm 2009 số VBQPPL ban hành mới tăng vọt lên 8.520. Là công cụ để quản lý nhà nước, việc đánh giá hiệu quả quản lý  thông qua VBQPPL không thể chỉ dựa trên cơ sở số lượng  ban hành nhiều hay ít mà còn phải căn cứ vào tác động của các VBQPPL, trong đó có gánh nặng kinh tế mà các quy định đó tạo ra. Bởi chính đằng sau một VBQPPL bao giờ cũng cần điều kiện kinh tế bảo đảm thực thi và những tác động đến nền kinh tế, mà trực tiếp nhất là doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Scott Jacobs, cố vấn thể chế cấp cao của Dự án USAID/VNCI, có 2 đối tượng chịu gánh nặng kinh tế do các VBQPPL tạo ra là khu vực nhà nước (trong các khâu xây dựng, quản lý và thi hành quy định) và khu vực ngoài nhà nước (gồm doanh nghiệp và hộ gia đình trong khâu tuân thủ quy định). Điều đáng nói là, chi tiêu của ngân sách cho hoạt động xây dựng và ban hành VBQPPL có thể cân, đong, đo, đếm nhưng các chi phí mà các hộ gia đình, doanh nghiệp phải gánh khi 1 văn bản pháp luật mới ra đời là không thể đo, đếm chính xác được. Từ đó, kéo theo doanh nghiệp phải san sẻ bớt lợi nhuận, bù lại là đẩy gánh nặng chi phí sang giá thành sản phẩm của các hộ gia đình. Giá tăng, chất lượng cuộc sống của người dân không những không được cải thiện mà còn kém đi. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, cơ hội việc làm… gây mất ổn định nền kinh tế  – ông Scott nhấn mạnh.

Việc có một môi trường thể chế hiệu quả với các quy định có chất lượng là vô cùng quan trọng. Vì lẽ đó, cải cách thể chế đã được các quốc gia trên thế giới quan tâm thực hiện. Nhờ cải cách thể chế, Hàn Quốc đã tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp khoảng 4,4% GDP. Tại Kenya, cải cách thể chế liên quan đến vấn đề giấy phép kinh doanh đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm 137 triệu USD/năm. Riêng Mehico, từ năm 2000 đến nay, quốc gia này đã viết lại 90% các văn bản, áp dụng nhiều chuẩn mực quốc tế đảm bảo tính cạnh tranh cho nền kinh tế. Chính vì vậy, trong khi mức độ tiếp nhận dòng vốn FDI của các nước Nam Mỹ khác liên tục sụt giảm thì Mehico vẫn giữ được đà tăng từ trước. Ở Việt Nam, trong 2 năm qua, với việc sửa đổi 5421 văn bản, bãi bỏ 8,8% các quy định không phù hợp và đơn giản hóa 77% các thủ tục hành chính, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được 1,4 tỷ USD/năm, tương đương 1,5% GDP.

Tuy nhiên, cải cách thể chế không chỉ đơn giản là việc rà soát, cắt bỏ những thủ tục không cần thiết, rườm rà, làm tốn kém chi phí và thời gian của doanh nghiệp, người dân mà quan trọng hơn, còn phải ngăn chặn sự ra đời của những VBQPPL sẽ tác động tiêu cực tới đời sống KT – XH. Muốn vậy, phải thực hiện công việc phân tích, đánh giá tác động của các VBQPPL (RIA) nếu được ban hành. Việc xây dựng VBQPPL phải đi đôi với hoạt động RIA và phản biện xã hội từ phía các Hiệp hội, Hội và người dân.

RIA là quá trình minh bạch hóa các hệ quả khi VBQPPL ra đời cả về chi phí và lợi ích. RIA được thực hiện tốt sẽ giúp giảm số lượng quy định có chất lượng thấp và không cần thiết. Tại Moldova, số đề xuất quy định mới đã giảm 39% trong 11 tháng của năm 2008 sau khi thực hiện RIA. Còn ở Hàn Quốc, trong năm đầu tiên thực hiện RIA, hơn 25% đề xuất quy định bị Ủy ban Cải cách Quy định bác bỏ. Ở phương diện tiết kiệm chi phí, việc áp dụng RIA của bang Victoria, Úc trong các năm 2005 – 2006 và 2009 – 2010 đã tiết kiệm được tổng chi phí là 902 triệu USD. Ở Mỹ, 1 USD đầu tư cho RIA tiết kiệm được 1000 USD. Còn tại Việt Nam, theo thống kê năm 2010, việc thực hiện 1 RIA đầy đủ ước tính làm phát sinh chi phí khoảng 500 USD nhưng giúp tiết kiệm được gấp 100.000 lần số tiền này nhờ một hệ thống thể chế ít gánh nặng và hiệu quả hơn… Có thể thấy, hiệu quả từ việc thực hiện RIA mang lại là vô cùng lớn, không chỉ nâng cao chất lượng của các VBQPPL mà còn giúp giảm gánh nặng cho nền kinh tế.

Đánh giá tác động của VBQPPL không phải là việc các cơ quan, tổ chức soạn thảo có thể làm hoặc không làm dựa trên mong muốn chủ quan mà thực tế đã được thể chể hóa trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Điều 33 của Luật quy định, một trong những nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết là phải tổ chức đánh giá tác động và xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dự thảo văn bản. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động phải nêu rõ các vấn đề cần giải quyết và các giải pháp đối với từng vấn đề đó, chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp. Điều 34 về nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ, báo cáo đánh giá tác động của dự án, dự thảo là một phần trong hồ sơ dự án, dự thảo gửi Chính phủ tham gia ý kiến. Nhưng đánh giá tác động của VBQPPL sẽ không mang lại hiệu quả như nó vốn có nếu các cơ quan, tổ chức chỉ thực hiện một cách hình thức, qua loa.

Theo bà Võ Lan Phương, Cố vấn cao cấp về cải cách thể chế của Dự án USAID/VNCI cho rằng, thực trạng soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa nhìn nhận đúng về tầm quan trọng của RIA, hoặc chỉ thực hiện một cách sơ sài, chỉ đánh giá những tác động tích cực mà ít đánh giá đến các tác động tiêu cực của quy định. Trong khi RIA mới chính là linh hồn của các văn bản, quan trọng hơn cả nội dung của văn bản đó.

N.Hải
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân