Doanh nghiệp canh cánh nỗi lo hóa đơn giả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nguy cơ có thật

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay việc dùng hóa đơn đặt in đang diễn ra bình thường nhưng luôn cảm thấy lo lắng về việc hóa đơn bị làm giả. Theo các doanh nghiệp, điều này hoàn toàn có cơ sở bởi công nghệ làm giả hiện nay rất tinh vi, giấy tờ và con dấu đều có thể bị làm giả không mấy khó khăn.

“Đợt tháng 3 vừa qua, do Công ty Liên Sơn bị quá tải, chúng tôi phải chuyển sang một nhà in vốn chưa có tiếng về in hóa đơn để kịp có hóa đơn sử dụng. Đến khi nhận được hàng mà tôi tá hỏa vì thấy in đơn giản, sơ sài quá. Cũng làm trong ngành in ấn nên tôi dám khẳng định, với mẫu hóa đơn này, chính chúng tôi cũng có thể tự in được”, bà Nguyễn Mai Hạnh Thư, Giám đốc Công ty sản xuất bao bì Mai Thư kể.

Bà Huỳnh Mạnh Lệ, kế toán trưởng Công ty Cao Trần cho hay, từ thời điểm bắt đầu dùng hóa đơn tự in, đặt in đến nay, công ty bà rất tốn thời gian, công sức và tiền bạc để kiểm tra tính hợp pháp của hóa đơn do đối tác cung cấp. Do lo sợ những rủi ro như làm giả hoặc không hợp pháp khi chưa thực hiện các yêu cầu pháp lý nên công ty này luôn yêu cầu khách hàng phải cung cấp mẫu và thông báo phát hành hóa đơn để so sánh đối chiếu.

Dưới góc nhìn của nhà in, ông Nguyễn Hải Minh, Giám đốc Công ty in Tài chính, chi nhánh TPHCM nhận định rằng, với công nghệ in mà không ít nhà in nhỏ đang áp dụng để in hóa đơn thì việc làm giả là rất dễ dàng. Theo ông Minh, những nhà in này sử dụng công nghệ in lazer như in các sản phẩm bình thường rồi mua máy đóng số nhảy bán tràn lan ngoài thị trường về đóng bằng tay, cách mà ai cũng có thể làm được.

“Đây là những máy đóng số nhảy có nguồn gốc từ Trung Quốc, có giá khoảng 10 triệu đồng/máy trong khi các công ty in lớn, muốn đảm bảo phải dùng máy đặt riêng với nhà sản xuất, đóng số tự động với giá lên tới hàng tỉ đồng”, ông Minh phân tích.

Lãnh đạo một công ty in lớn cũng từng thừa nhận với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, các biện pháp bảo mật mà các nhà in lớn, trang thiết bị hiện đại đang áp dụng khi in hóa đơn cho doanh nghiệp cũng chỉ hạn chế được phần nào nguy cơ làm giả, không thể đảm bảo chắc chắn 100%.

Doanh nghiệp tự bảo vệ

Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo Cục Thuế TPHCM diễn ra sáng 12-5, một câu hỏi được đặt ra là tại sao cơ quan thuế đã hứa rằng sẽ đưa các mẫu và thông báo phát hành hóa đơn của doanh nghiệp lên trang web của mình giúp các đơn vị có thể so sánh đối chiếu, như một cách kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ nhưng đến nay vẫn chưa thấy?

Trả lời câu hỏi này, bà Trần Thị Lê Nga, Trưởng phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TPHCM thừa nhận, thực hiện việc này rất khó khăn bởi cả nước có tới 63 tỉnh thành, số lượng doanh nghiệp vô cùng lớn và nhiều trong số này có quy mô hoạt động rộng khắp. Riêng với Cục Thuế TPHCM, việc đưa mẫu và thông báo phát hành hóa đơn đã triển khai nhưng cũng chỉ được một số.

Do vậy, để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra, các doanh nghiệp cho rằng chính họ phải tự tìm cách bảo vệ mình. Cách mà nhiều công ty đang áp dụng hiện nay là tìm hiểu kỹ càng về đối tác trước khi giao dịch, làm ăn. Bên cạnh đó là dùng các biện pháp kỹ thuật như yêu cầu cung cấp mẫu và thông báo phát hành hóa đơn để so sánh, đối chiếu.

“Chúng tôi gọi đây là sống chung với lũ, chấp nhận như một phần tất yếu và tự tìm cách bảo vệ” – nhiều doanh nghiệp nói.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online