Doanh nghiệp "chết" liệu có phải do lãi suất cao?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp có thực sự khó?

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng từ sau khi ban hành Nghị quyết 11 Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô mà trong đó có việc siết chính sách tiền tệ, vốn đang bị cho là gây ảnh hưởng nặng nề lên các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Thành cho biết “Nhìn vào các chỉ số vĩ mô 6 tháng đầu năm, tôi thấy sự kêu gào của các doanh nghiệp có phần hơi quá!”. GDP 6 tháng tăng 5,6%, nhập khẩu vẫn tăng mạnh cho thấy người dân vẫn đầu tư, tiêu xài, trong khi sản lượng công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 14,3% cho thấy doanh nghiệp vẫn có sản xuất, ông Thành nói.

Nếu chỉ tính tăng trưởng tín dụng 20% cho năm nay thì số vốn tuyệt đối cho nền kinh tế sẽ là 25 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. “Nếu không tính cho bất động sản và chứng khoán, liệu nền kinh tế thực của Việt Nam có thể hấp thụ con số này?”, ông Thành đặt ra câu hỏi.

Ông Thành cho rằng lạm phát theo tháng của Việt Nam đã có xu hướng giảm, nhưng lạm phát theo năm vẫn cao, ông cho rằng mức đỉnh sẽ vào khoảng 22%, sau đó đi ngang và giảm xuống vào cuối năm. “Con số không quan trọng mà quan trọng là xu hướng của lạm phát, và điều này thì phụ thuộc vào việc Chính phủ có vượt qua được các áp lực để kiên trì với Nghị quyết 11 hay không. Nếu không, chúng ta sẽ còn phải trả giá cao hơn gấp nhiều lần so với việc tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5,6%”, ông Thành nói.

Ông cho rằng lãi suất chắc chắn sẽ còn cao vì Việt Nam đang phải chống lạm phát và “tôi nghĩ doanh nghiệp vẫn có khả năng sống qua 4 tháng nữa”.

Với các phân tích sâu hơn, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng “kiềm chế lạm phát phải là một công cuộc được thực hiện lâu dài chứ không phải có thể kiềm lạm phát tốc lực trong vài tháng, để rồi chính sách điều hành rơi vào tình huống siết chặt quá rồi lại nới lỏng”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho biết 6 tháng đầu năm tăng trưởng cung tiền là 3% tức khoảng 78.000 tỉ đồng nhưng một nửa trong số này đã đi vào trái phiếu Chính phủ vì phần lớn người mua trái phiếu chính phủ là các ngân hàng, trong khi nửa còn lại là vào tín dụng, do vậy tiền đồng trở nên khan hiếm đẩy lãi suất lên cao.

Không quá lạc quan như ông Thành, ông Nghĩa cho rằng hiện các doanh nghiệp đang thực sự gặp khó khăn rất lớn. Theo khảo sát của ủy ban, 100 doanh nghiệp sản xuất kể cả xuất khẩu hiện đang có lượng hàng tồn kho rất cao, và khảo sát 130 doanh nghiệp niêm yết cho thấy bảng cân đối tài sản của các doanh nghiệp này hiện rất xấu.

Nếu việc thắt chặt tiền tệ vẫn còn tiếp tục như hiện nay thì nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào tình trạng lạm phát và đình đốn sản xuất, và tăng trưởng GDP quí 3, quí 4 sẽ dưới 5% chứ không phải 6%- 6,5% như Chính phủ dự kiến, ông Nghĩa nhận định. Ông cũng cho rằng tiền đề để lãi suất có thể giảm hiện nay là có vì lãi suất liên ngân hàng lẫn lãi suất trái phiếu Chính phủ đều đã giảm. Tuy nhiên, ông cũng cho biết lãi suất có thể giảm nhưng không thể giảm mạnh.

Lãi suất không phải nguyên nhân căn bản

Đi sâu sát hơn với tình hình của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc ngân hàng Techcombank, chia sẻ một góc nhìn khác về lãi suất. Techcombank hiện đang phục vụ 50.000 doanh nghiệp và trong đó chỉ có 10%- 15% số doanh nghiệp có quan hệ một cách thường xuyên với ngân hàng.

Ngân hàng đã có một thống kê nhỏ trong số các khách hàng của mình, 70% các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn, và 30% trong số 70% doanh nghiệp này đang ở mức rất rất khó khăn cần phải đưa vào chương trình kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, vấn đề lãi suất chỉ là một trong những yếu tố làm trầm trọng hóa tình trạng doanh nghiệp hiện nay chứ không phải là nguyên nhân căn bản, mà nguyên nhân căn bản là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung trong hoạt động của doanh nghiệp.

“Hầu hết các doanh nghiệp có cơ cấu về vốn rất mong manh. Các doanh nghiệp tư nhân có vốn chủ sở hữu trên tổng vốn hoạt động ở mức 15%-20%, trong khi doanh nghiệp nhà nước, mức này chỉ là 10%”, ông Vinh nói. Thêm vào đó, cấu trúc vốn của các doanh nghiệp rất bấp bênh, hơn 60% doanh nghiệp mất cân đối về vốn tức lấy quá nhiều vốn ngắn hạn đem đầu tư trung dài hạn, và đa số doanh nghiệp đều đầu tư ngoài ngành. Có hơn 90% doanh nghiệp đều có dính dáng ít hay nhiều đến bất động sản, ông Vinh nói.

Ông cho biết chỉ có 60% vốn của doanh nghiệp là phục vụ cho hoạt động chính, cho nên khi lãi suất tăng cao đến 20% thì mức lãi phải trả là cho 100% khoản vay trong khi chỉ có 60% vốn là sử dụng có hiệu quả, nên có khi lãi suất thực doanh nghiệp phải gánh lên đến 30%.

Do vậy, theo ông Vinh, không phải lãi suất hạ thì doanh nghiệp sẽ tốt hơn, mà cái chính là các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cần phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn, và chiến lược để có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online