Doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn rẻ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuổi trẻ dẫn lời chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Quạt Việt Nam (Asia), cho biết lãi suất vay vốn trung bình của doanh nghiệp đang ở mức 19%/năm, giảm 2%/năm so với trước đây. Theo vị này, mức giảm này cũng không thể khiến công ty kinh doanh hiệu quả.

Về các gói vay hỗ trợ, ưu đãi mà một số ngân hàng vừa công bố thời gian qua, ông Phương cho biết không dễ tiếp cận được vì quá nhiều điều kiện ràng buộc.

Nhân viên kế toán phụ trách giao dịch với ngân hàng của một công ty TNHH, cho biết công ty vừa được ngân hàng thông báo tăng lãi suất từ 20% lên 22% cho khoản vay 3 tỉ đồng. Chị này thừa nhận công ty chưa bao giờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng này vì thủ tục cho vay khó.

Ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á, cho biết lãi suất cho vay thấp nhất mà ngân hàng đang áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu là 16-16,5%/năm. Nhưng số khách hàng được vay với lãi suất này chỉ chiếm 1-1,5% tổng dư nợ, đa số là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo ông Bình, hiện chưa thể mở rộng cho vay với lãi suất 16-16,5%/năm, vì với lãi suất huy động như hiện nay mà cho vay lãi suất 16-16,5%/năm thì ngân hàng không có lợi nhuận.

Với các ngân hàng khác, khi đưa ra các chính sách ưu đãi, ngân hàng cũng khoanh vùng đối tượng được hưởng lãi suất thấp trong phạm vi hẹp.

Theo ông Đỗ Lam Điền, phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp ngân hàng Hàng hải, trong điều kiện hiện nay, việc giảm lãi suất cho vay còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện vĩ mô và điều hành của Ngân hàng Nhà nước. “Trong điều kiện lạm phát giảm, Ngân hàng Nhà nước có thể hạ trần lãi suất huy động. Khi chi phí đầu vào giảm thì chi phí đầu ra sẽ giảm theo” – ông Điền nói.

Nguồn Tuổi trẻ