Doanh nghiệp chưa xem trọng quyền sở hữu trí tuệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, các viện nghiên cứu còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xác lập, bảo vệ, khai thác thương mại quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Trần Hữu Nam, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, cả nước có đến gần 350.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 96% tổng số lượng doanh nghiệp trên cả nước), nhưng mới chỉ có khoảng 80.000 nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

“Đây là con số khá khiêm tốn. Trong khi đó, tranh chấp thương mại, ăn cắp mẫu mã, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế hoặc bí mật kinh doanh xảy ra ngày càng nhiều trên thị trường. Đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp có thể do nhận thức còn hạn chế, nhân lực và tài chính yếu nên chưa đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, sáng chế độc đáo của mình”, ông Nam nói.

Ông Nam cho biết, một số doanh nghiệp đã rất thuận lợi trong hoạt động của mình khi ý thức đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ như Công ty phân lân Văn Điển với sản phẩm lò cao sản xuất phân lân nung chảy hay cơ sở Duy Lợi với kiểu dáng võng xếp.

Theo giáo sư Phan Quốc Nguyên, giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến rất phức tạp, khó có thể kiểm soát được. “Tình trạng bị mất bản quyền gây ra tâm lý chán nản, mất động lực cho người nghiên cứu và làm ảnh hưởng đến việc phát triển công nghệ, kinh tế của đất nước”, giáo sư Nguyên nhấn mạnh.

Để đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm hay sáng chế phải đáp ứng các tiêu chí như: tính mới, trình độ sáng tạo và áp dụng được trong sản xuất công nghiệp. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay hầu hết các Sở Khoa học Công nghệ trên cả nước đều có bộ phận hướng dẫn doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, cả nước có gần 100 công ty, dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Chi phí đăng ký quyền sở hữu trí tuệ một sáng chế ở mức khoảng 1,5 triệu đồng. Đối với nhãn hiệu, kiểu dáng đã được cơ quan chức năng xác lập quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp đóng thêm 850.000 đồng phí duy trì quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu.

Thời hạn hiệu lực của văn bằng xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu là 10 năm kể từ ngày cấp văn bằng, thời hạn hiệu lực của văn bằng kiểu dáng công nghiệp là 5 năm và được gia hạn 2 lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm. Nếu cơ quan chức năng phát hiện chủ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp không sử dụng trong thời hạn hiệu lực thì văn bằng sẽ bị hủy bỏ.

Theo quy định hiện nay, cơ quan xác lập quyền sở hữu trí tuệ là Cục Sở hữu trí tuệ, cơ quan giám sát quyền sở hữu trí tuệ là hải quan, cảnh sát kinh tế và quản lý thị trường.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online