Doanh nghiệp cổ phần tan vỡ nhiều quá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Công ty cổ phần còn quá ít

. Tại hội thảo dành cho giới doanh nhân, ông có nhận xét số lượng doanh nghiệp cổ phần còn quá ít nếu so với doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân. Quá trình chuyển đổi sang doanh nghiệp cổ phần vẫn còn rất chậm. Ông có thể phác thảo một vài con số liên quan đến vấn đề này?

+ Tôi không nhớ rõ con số chi tiết lắm nhưng có thể khẳng định việc chuyển từ doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân lên doanh nghiệp cổ phần tại Việt Nam không được thành công lắm. Hiện doanh nghiệp cổ phần chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 3%-4% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đáng chú ý những doanh nghiệp cổ phần rồi thì cũng có rất ít doanh nghiệp lớn mạnh một cách nhanh chóng.

Ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp cổ phần tan vỡ, chia tay nhau nhiều lắm. Từ đây có thể rút ra rằng người Việt Nam mình dễ dàng hợp tác nhau khi khó khăn nhưng khi thuận lợi thì lại khó chia sẻ lợi ích với nhau một cách bình đẳng.

. Doanh nghiệp cổ phần là xu hướng chung của nền kinh tế thế giới. Vậy tại sao ở Việt Nam doanh nghiệp cổ phần còn chiếm số lượng quá ít so với các loại hình doanh nghiệp khác?

+ Việt Nam chưa tạo được khung pháp lý tạo điều kiện cho nhiều người tham gia được trong một mô hình kinh tế. Người tham gia không có sự tin tưởng và không biết liệu ông giám đốc điều hành hay vị chủ tịch hội đồng quản trị có thực sự trung thực không. Có rất nhiều trường hợp làm với nhau một thời gian rồi mâu thuẫn, cãi nhau rất dữ dội và chia tay nhau.

Rất cần công ty có thương hiệu

. Việc có quá ít doanh nghiệp cổ phần và điều quan trọng còn quá ít thương hiệu làm ăn có hiệu quả vượt ra khỏi tầm quốc gia sẽ ảnh hưởng về lâu dài như thế nào với nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

+ Việt Nam rất cần những công ty lớn có thương hiệu và quy mô quốc tế. Chính những công ty này là xương sống của nền kinh tế trong tương lai. Công ty nhỏ và vừa cũng tốt nhưng rất khó tạo được thương hiệu quốc gia và khó vươn ra được biển lớn. Nhắc đến Hàn Quốc là nghĩ ngay đến Samsung, LG… Nói đến Nhật là nghĩ tới Toyota, Sony. Còn Việt Nam thì không biết nhắc tới thương hiệu gì cả. Tóm lại, một doanh nghiệp tư nhân nhỏ thì không thể làm được những thương hiệu nổi tiếng như trên. Cho nên đất nước rất cần những doanh nghiệp lớn, những doanh nhân có tầm cỡ để tạo ra thương hiệu đa quốc gia. Điều này từ trước tới nay doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa làm được.

Cần môi trường kinh doanh tốt

. Ông từng nhận xét Luật Doanh nghiệp ít bảo vệ phần lớn cổ đông trong doanh nghiệp cổ phần. Ông có thể nói rõ thêm về điều này được không?

+ Luật Doanh nghiệp chưa cho phép cổ đông thiểu số nếu không đồng ý với quyết định của hội đồng quản trị hay ban giám đốc điều hành thì được kiện ra tòa. Trong khi ở nước ngoài luật lại cho phép điều này. Khi không hài lòng, cổ đông có thể kiến nghị với ban kiểm soát thực hiện điều này điều kia. Nếu ban kiểm soát không thực hiện thì cổ đông kiện ra tòa. Luật nước ngoài bảo vệ rất tốt những cổ đông thiểu số. Vì thế hội đồng quản trị công ty rất ngại thưa kiện nên đối xử rất sòng phẳng, công khai, minh bạch với cổ đông.

Trong khi đó ở nước ta, ban giám sát nhiều khi trở thành công cụ của ông tổng giám đốc. Nói Luật Doanh nghiệp cần phải được sửa tiếp là vậy.

. Như ông nói thì việc doanh nghiệp cổ phần nói riêng và doanh nghiệp nói chung hoạt động chưa hiệu quả một phần do chính sách nhà nước?

+ Môi trường kinh doanh trong nước hiện nay chưa tạo thuận lợi cho những người có khả năng mà còn tạo rất nhiều cơ hội cho những người móc ngoặc, đi đêm, nhập lậu, tư túi… Vì vậy, các doanh nghiệp thiếu động lực đầu tư vào con người, khoa học công nghệ để trở thành doanh nghiệp mạnh. Bởi đầu tư doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về luật lệ, hành chính trong khi chỉ cần sự bảo lãnh của một “ông” nào đó thì anh muốn làm gì cũng được. Cho nên muốn có doanh nghiệp mạnh thì chúng ta cần phải có một nhà nước pháp quyền, một môi trường kinh doanh lành mạnh và bản thân nhà nước phải thay đổi cách tiếp cận.

. Xin cảm ơn ông.

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tính bền vững, tính nhiệm kỳ của doanh nghiệp nhà nước là một trong những lý do để thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước lụi dần. Bởi anh bỏ công, bỏ sức vào đó đến khi anh thôi việc hay chuyển vị trí công tác là người khác hưởng. Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước hiện đang được ưu đãi quá nhiều nên một số doanh nghiệp không cần nỗ lực, lăn lộn. Họ cứ độc quyền cái này cái kia là sống quá tốt rồi.

Nguồn: Báo điện tử Pháp luật TP HCM