Doanh nghiệp dệt may: Chưa mặn mà với nguyên liệu trong nước
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khó khăn vì giá nguyên liệu tăng cao

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, quí I, xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 2,8 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Với việc các nhà nhập khẩu nước ngoài chấp nhận nâng giá bán lên 15%-20%, dệt may Việt Nam có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu trên 13 tỷ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, hiện, giá nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may đã tăng khá cao: Giá bông nhập khẩu từ thị trường Mỹ tăng gần 9% so với tuần trước và tăng 74,1% so với cùng kỳ năm ngoái; giá sợi polyester pha nhập khẩu từ Thái Lan tăng 13,4% so với tuần trước và tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2010. Giá điện, lương công nhân, phí vận chuyển… đều tăng.

Để đối phó với tình hình chi phí đầu vào tăng như hiện nay, các DN trong ngành chọn giải pháp tiên phong là đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa nhằm cân đối nguồn ngoại tệ dùng cho việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, cân nhắc việc sử dụng nguyên liệu thay thế khi giá nguyên liệu tăng cao. Đại diện Công ty Dệt may Gia Định cho biết, việc nguyên phụ liệu tăng giá như hiện nay khiến DN gặp không ít khó khăn vì hợp đồng đã ký từ cuối năm 2010. Trước mắt, doanh nghiệp cố gắng tìm những nhà thầu mới để sử dụng nguyên liệu thay thế khi giá nguyên liệu tăng. Đồng thời, tăng năng suất hoạt động của nhà máy. Ngoài ra, phía công ty đang cố gắng đàm phán với khách hàng mong nâng cao giá sản phẩm xuất khẩu.

Năm qua, ngành dệt may đã triển khai đầu tư trên 1.100 tỷ đồng nhằm tạo đột phá về năng suất, công nghệ và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt hơn 12,9%. Đây là mức đầu tư hợp lý để đảm bảo nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu, ưu tiên vốn vay cho các dự án đầu tư phục vụ xuất khẩu.

Mặt khác, Vitas còn phối hợp cùng với các địa phương dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm, khu vực trồng bông, nguyên liệu phụ kiện theo quy hoạch; không sử dụng rào cản kỹ thuật không hợp lý với công nghiệp dệt may, nhất là tiêu chuẩn nước thải; thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước. Theo đề án phát triển nguyên phụ liệu ngành dệt may giai đoạn 2010-2015, đến hết năm 2011 có khả năng đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu xơ và mục tiêu đến năm 2012, khi các nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ đảm bảo khoảng 70% nhu cầu toàn ngành. Năm 2015, ngành dệt may đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa 70 – 80%.

Chưa mặn mà với nguồn nguyên liệu nội địa?

Mặc dù trong tương lai gần, nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng cho ngành may mặc với giá rẻ hơn, lại đỡ tốn chi phí và thời gian vận chuyển, nhưng hiện tại các DN lại khá dè dặt trong việc dùng nguyên liệu nội địa.

ông Vũ Văn Hòa – Trưởng ban Khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) TP. Hồ Chí Minh phân tích: hiện tại mỗi năm, các DN trong KCX-KCN TP.HCM mới chỉ mua khoảng 800 triệu USD giá trị nguyên liệu từ thị trường nội địa, dù giá các nguyên liệu này khá cạnh tranh. Sở dĩ các DN chưa mặn mà với nguyên liệu trong nước là do chất lượng, giá cả và thủ tục hoàn thuế chưa rõ ràng. Thậm chí, có DN còn khẳng định rằng, chất lượng nguồn nguyên liệu trong nước không đảm bảo nên họ khó có thể tính đến phương án làm ăn lâu dài bằng việc nhập từ nội địa, làm như vậy, vô hình trung đã giảm uy tín với các đối tác đặt hàng xuất khẩu…

Ông Hòa cho biết, theo quy định, các DN xuất khẩu, DN trong KCX được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 0%. Nếu DN trong nước muốn cung ứng nguồn nguyên liệu cho DN xuất khẩu thì hai bên mua – bán phải thêm thủ tục mở tờ khai hải quan, trong khi các công ty nội địa lại ngại vấn đề này. họ cho rằng, thủ tục hoàn thuế rất phiền phức, phải xuất trình cho cơ quan thuế rất nhiều chứng từ liên quan. Do đó, các DN trong nước thường cộng thêm 10% VAT vào trị giá hàng hóa (nâng giá bán lên), rồi xuất ngược lại 0% và chấp nhận bỏ qua thủ tục hoàn thuế. Như vậy, giá cả đã bị đội lên 10% nên bên mua khó chấp nhận.

Theo đại diện Công ty TNHH Lawnyard Việt Nam – đơn vị chuyên sản xuất gia công hàng may mặc cao cấp xuất khẩu sang Mỹ, Đài Loan, Hà Lan… hiện tại công ty mới chỉ sử dụng khoảng 20% nguyên liệu trong nước, số còn lại do các đối tác cung cấp hoặc chỉ định nhà cung cấp. Nguyên nhân là do việc giao hàng không đúng hẹn của các nhà cung cấp, điều đó dễ dẫn đến rủi ro “bể” hợp đồng với đối tác nước ngoài. Hơn thế, công ty luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, cho nên giá rẻ không phải là yếu tố đầu tiên để doanh nghiệp quyết định chọn lựa.

Hầu hết các DN cho rằng, xây dựng đối tác mới ở Việt Nam không thể thực hiện một sớm một chiều, bởi hầu hết các nhà cung cấp không đủ công nghệ hiện đại, tiên tiến để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng mà DN xuất khẩu đề ra. “Mặc dù chúng tôi cam kết sẽ mua sản phẩm nếu chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không dám đầu tư máy móc vì e ngại mạo hiểm. Hơn ai hết, chúng tôi là người mong muốn nguồn nguyên liệu trong nước đủ dồi dào để chúng tôi có thêm quyền lựa chọn” – đại diện một số DN vốn đầu tư nước ngoài tại các KCX chia sẻ.

Bài và ảnh: Mai Ca
Nguồn: Báo điện tử Công thương