Doanh nghiệp dệt may: Khó khăn chồng chất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khó từ mọi phía


Một trong những nguyên nhân dễ thấy, đó là thị trường đang dần bị thu hẹp. Mỹ luôn được các doanh nghiệp dệt may nhắm tới bởi là thị trường lớn nhất, chiếm 1/2 tổng giá trị xuất khẩu, nhưng đến thời điểm này cũng được nhận định tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng chính sách thắt chặt tiền tệ sau khi bỏ trần nợ công, tăng trưởng kinh tế nước này không có dấu hiệu khởi sắc, đẩy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước trước nguy cơ mất dần đơn hàng từ khách hàng truyền thống, ngay cả đơn hàng đã ký cũng có thể bị giảm sản lượng.


Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may than phiền: Với tình hình giá cả tiếp tục tăng như hiện nay, phần lớn doanh thu của doanh nghiệp phải chi cho việc nhập nguyên phụ liệu và các chi phí đầu vào. Vì thế, dù giá gia công đã được điều chỉnh tăng song vẫn không thể bù lại với mức tăng của đầu vào.


Mặt khác, trong cơ cấu giá thành may gia công, lương công nhân chiếm tới 65%, chính sách mới về điều chỉnh tiền lương bắt đầu tháng 10 tới cũng đang tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn có hàng nghìn lao động. Bên cạnh việc phải đối mặt với những khó khăn nội tại, một số yếu tố mới phát sinh tại một số thị trường chính cũng đang khiến cho các doanh nghiệp dệt may lo lắng về sự ổn định của đơn hàng trong những tháng cuối năm.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng: Dù chưa có hợp đồng nào bị hủy nhưng đã có đối tác đề nghị giảm lượng hàng đã đặt. Suy giảm kinh tế của một số nước châu Âu thời gian qua cũng gây ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp dệt may. Có lẽ vì vậy mà mặc dù đã vào thời điểm đặt hàng cho vụ Xuân Hè năm sau nhưng lượng đơn hàng nhận được ở nhiều doanh nghiệp đã giảm 10-15% so với cùng kỳ, thị trường đang có tín hiệu trì trệ trong việc đặt hàng mới cho quý I, II/2012. 


Ông Nguyễn Văn Đô, Tổng Giám đốc DHA Group cho biết: Thông thường tại thời điểm này, doanh nghiệp đã đủ đơn hàng cho tháng cuối năm và 2 tháng đầu năm sau, song hiện đơn hàng cho tháng 12-2011 vẫn thiếu. Không những thế, khách hàng còn chưa chốt mã hàng sẽ sản xuất với đơn hàng đã ký nên có tình trạng nguyên liệu đã về mà doanh nghiệp chưa biết có sản xuất không.


“Với tình trạng này, năm 2012, ngành dệt may Việt Nam sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, do các nước nhập khẩu chính của ngành là Mỹ và EU đang gặp khó khăn về tài chính, dẫn tới người dân cũng phải cắt giảm chi tiêu. Để thu hút đơn hàng, các nước như Ấn Độ, Inđônêxia đã chấp nhận giảm giá nên các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn…” – Ông Đô nói.


Trông chờ Nhà nước tháo gỡ khó khăn 


Bên cạnh nỗi lo về thị trường, nhiều doanh nghiệp dệt may còn đang gặp khó khăn do giá cả tiếp tục tăng, phần lớn doanh thu phải dành để nhập nguyên phụ liệu và chi phí đầu vào, trong khi lãi suất vay ngân hàng vẫn cao.


Nhiều DN cho biết dù giá đơn hàng đã tăng 10-15% so với năm 2010 nhưng nhiều chi phí đã tăng 2-3 lần so với trước. Mặt khác, lương công nhân chiếm tới 65% trong cơ cấu giá thành may gia công, nên những đơn vị có hàng nghìn lao động đang phải gồng mình để lo đủ chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hơn thế là bài toán lương thưởng cuối năm.. Không những thế, doanh nghiệp dệt may xuất khẩu còn đang đứng trước khó khăn do biến động nguồn lao động vốn luôn thiếu hụt, cho dù từ đầu năm đến nay đã nỗ lực ổn định đời sống cho công nhân. 


Để giảm thiểu tối đa rủi ro, Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas cho biết: Tuy có những tín hiệu giảm nhưng nhìn chung thị trường Mỹ vẫn tương đối ổn định nhờ sức tiêu thụ mạnh và lợi thế của đồng USD. Trong khi đó, ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế của một số nước tại thị trường châu Âu trong thời gian qua đã có những ảnh hưởng nhất định đến nhiều doanh nghiệp dệt may. Với mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là áo Jacket, nhiều đơn hàng của một số doanh nghiệp đã bị điều chỉnh giảm đến 30% sản lượng. Theo lộ trình, giai đoạn 2011-2020, ngành tăng trưởng bình quân 12-14%, xuất khẩu tăng 15%. Đến năm 2020, sản lượng sợi đạt 650.000 tấn/năm sản lượng vải dệt đạt 2 tỷ m2 vải sản lượng may đạt 4 tỷ sản phẩm.


Cũng theo ông Hồng, bên cạnh nỗi lo về thị trường, các doanh nghiệp dệt may còn đứng trước nỗi lo về sự biến động nguồn lao động vốn đang thiếu hụt.


Để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất trong việc biến động nguồn cung lao động, Hiệp hội Dệt may đang kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường ổn định nguồn lao động bằng các chính sách lương bổng phù hợp và duy trì tối đa các chính sách phúc lợi. Đồng thời phía doanh nghiệp thì vẫn đang mong chờ Nhà nước đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn thiết thực nhất.

Uyên Hương
Nguồn: Báo điện tử Công lý