Doanh nghiệp dự báo nhượng quyền thương mại sẽ tăng mạnh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là nhận định của hầu hết các diễn giả tại buổi hội thảo với chủ đề “Nhượng quyền thương mại và những vấn đề tại Việt Nam” do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức tại TPHCM ngày 9-7.

Ông David Dwight Dingwall, Giám đốc Công ty tư vấn nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực thời trang và nhà hàng Đại Đông Dương, cho biết Việt Nam đang được nhiều công ty phương Tây nhắm tới. Điều này nằm trong kế hoạch đẩy mạnh doanh thu từ các thị trường đang phát triển do họ đang gặp khó khăn tại thị trường “sân nhà” vì ảnh hưởng của suy giảm kinh tế.

Ông Dingwall nói: “Việt Nam là thị trường mới về nhượng quyền thương mại nên rất được các công ty phương Tây quan tâm”.

Còn ông Eckart Dutz, Tổng giám đốc Công ty Cartridge World, cho rằng các chuỗi cửa hàng nhượng quyền thương mại sẽ phát triển nhanh tại Việt Nam vì tại thị trường này, hiện chưa có nhiều công ty nước ngoài tham gia so với các nước khác trong khu vực.

Ông Dutz nói rằng hiện chưa có số liệu chính thức về số cửa hàng nhượng quyền thương mại hoạt động tại Việt Nam nhưng theo dự báo số này sẽ tăng khoảng 50% mỗi năm trong các năm tới, và doanh thu của ngành này có thể sẽ đạt khoảng 35 triệu đô la Mỹ vào năm 2010.

Ông Vương Hữu Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của chuỗi cửa hàng nhượng quyền thương mại Buncamita (Bún cá miền Tây) nói vẫn còn nhiều “đất” tại Việt Nam cho các công ty kinh doanh nhượng quyền thương mại và thực tế là nhiều công ty đang khảo sát thị trường Việt Nam.

Do còn ít công ty trong nước tham gia vào hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại (chỉ có vài cái tên gồm Phở 24, Cà phê Trung Nguyên…) nên thị trường đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, ông Hùng nói.

Dẫn chứng từ ngành hàng ăn uống mà mình đang kinh doanh, ông Hùng cho biết 70% thực khách của Buncamita là người Việt Nam, và số khách còn lại đến từ châu Âu. Và theo ông, cơ hội cho ngành hàng này rất lớn, vì  người nước ngoài đến Việt Nam thường thích thử các sản phẩm dịch vụ và món ăn Việt Nam hơn là đồ ăn, thức uống của nước họ.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Dutz cho rằng các công ty nhượng quyền thương mại nước ngoài sẽ vẫn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, trong đó giáo dục, kinh doanh đồ ăn thức uống… sẽ là những lĩnh vực mà nhượng quyền thương mại phát triển nhanh nhất vì nhu cầu đang tăng rất cao.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online