Doanh nghiệp Hà Nội “tố“ khổ, Chủ tịch… ghi nhận!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có cho cũng không dám vay

Thời buổi kinh tế suy thoái, đụng đâu khó đó, mỗi doanh nghiệp mỗi cảnh, nhưng tựu chung vẫn là khát vốn, thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh,  giá nguyên vật nhiên liệu đầu vào tăng cao, đầu ra trầy trật….

Ông Trần Văn Quang – Tổng giám đốc Cty CP chế tạo thiết bị điện Đông Anh “tha thiết gửi gắm UBNDTP Hà Nội kiến nghị tới Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước” sớm xem xét giải ngân cho những DN có nhiều hợp đồng, hỗ trợ lãi suất đối với những DN sử dụng nhiều lao động và đóng góp nhiều cho ngân sách của thành phố.

Đồng thời, ông Quang kiến nghị thành phố nghiên cứu đề xuất Chính phủ và các Bộ  sớm có cơ chế hữu hiệu để người Việct thực sự dùng hàng Việt, như sửa quy định về đấu thầu để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia đấu thầu, rồi quy định các gói thầu lớn phải sử dụng vật tư, thiết bị trong nước sản xuất được…, những quy định nhằm bảo vệ DN và hàng hóa trong nước mà không vi phạm các cam kết WTO.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng – Tổng giám đốc Cty CP cửa sổ châu Âu (Eurowindow) chia sẻ, công ty đang có 5 nhà máy, hơn 4.000 cán bộ công nhân viên dang làm việc, hàng năm tăng trưởng 50-60%. Tuy nhiên năm nay do thị trường BĐS đóng băng, sản phẩm của công ty tiêu thụ châm, giá nguyên vật liệu tăng nên không hoàn thành được kế hoạch. Công ty kiến nghị thành phố có chính sách giúp DN giãn nộp thuế thu nhập, có chính sách ưu đãi cụ thể với sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Từ góc độ khác, ông Lê Đình Phượng – Tổng giám đốc Cty CP xuất khẩu thực phẩm bày tỏ mong muốn được vay vốn ưu đãi để có thể đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung quy mô lớn, vì hiện nay nhu cầu của tiêu dùng của thành phố lê tới 420 tấn thịt lợn/ngày.

Duy chỉ có một DN “không sợ thiếu vốn”, ông Dương Văn Bình – Tổng giám đốc Cty CP Dệt 10/10 phân trần: “ngân hàng thì sẵn sàng cho vay nhưng chúng tôi không dám vay, vì không thể trúng  thầu các hợp đồng may lớn, nguyên vật liệu đầu vào thì tăng quá cao, làm cầm chắc lỗ”.

Ghi nhân và hứa

Chia sẻ với những khó khăn của các DN, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: “Chúng ta đã bắt bệnh đúng, có đơn thuốc đúng, vấn đề chỉ còn là tính toán liều lượng thuốc sao cho hợp lý để không gây sốc cho DN và nền kinh tế”.

 Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất, ưu tiên tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, các mục tiêu an sinh xã hội. Ông Thảo cũng thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND thành phố hỗ trợ lãi suất cho một số doanh nghiệp với số tiền 60 tỷ đồng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giảm 50% tiền thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế…

Về lâu dài, thành phố xác định công nghiệp phụ trợ là “mắt xích” trọng tâm để phát triển công nghiệp và đã dành quỹ đất 400 ha ở KCN Phú Xuyên, Hà Nội  để phát triển công nghiệp phụ trợ. Trong tuần tới, thành phố sẽ có buổi làm việc với các DN và trung tâm đào tạo nghề nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực “trúng” nhu cầu thực tế. Đặc biệt, Chủ tịch Hà Nội khẳng định, sẵn sàng dành quỹ đất cho DN xây nhà ở công nhân.

Về phía DN, người đứng đầu chính quyền Thủ đô đề nghị, trong thời điểm  khó khăn này, nên phát huy tính tự lực, tự cường, nghĩ ra các giải pháp thông minh, đổi mới công nghệ để tăng cường năng lực kinh doanh của mình, cùng nhau liên kết, liên doanh hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển, tạo ra hàng hóa có hàm lượng chất xám cao.

Tại cuộc gặp gỡ này, những kiến nghị của DN liên quan tới giảm, giãn  thuế, cải cách thủ tục hành chính… đã được lãnh đạo thành phố và đại diện các sở, ban, ngành tiếp nhận và cam kết tháo gỡ theo từng trường hợp cụ thể.

Mai Hoa
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử