Doanh nghiệp kêu khó vay vốn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đầu năm 2010, nhiều doanh nghiệp kêu về việc vay vốn ngân hàng gặp khó và nếu vay được thì phải chịu lãi suất cao. Các doanh nghiệp cho rằng nếu kéo dài tình trạng này thì bao nhiêu công sức từ trước tới nay nhằm khôi phục sản xuất đều trở nên vô nghĩa.

Vay với lãi suất 17%-18%/năm

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết bắt đầu từ cuối năm 2009, số lượng hợp đồng xuất khẩu trong doanh nghiệp gỗ có dấu hiệu gia tăng tuy giá xuất khẩu có giảm so với trước khủng khoảng. Theo đó, có nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu trong năm 2010. Đây là tín hiệu rất lạc quan cho ngành chế biến, sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp hết sức khó khăn do tín dụng ngân hàng siết lại.

Ông Hàng Vay Chi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Hương – doanh nghiệp sản xuất 80% sản phẩm quần jean tiêu thụ tại thị trường nội địa, cho rằng năm 2009 tuy khó khăn nhưng bù lại doanh nghiệp được một số ưu đãi như hỗ trợ 4% vốn vay hay giảm 5% thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp. Tuy nhiên, bước vào năm 2010, ưu đãi trên bị cắt bỏ đã tạo ra khó khăn đối với doanh nghiệp.

Khó vay vốn đã khiến sản xuất của doanh nghiệp gỗ vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn. Ảnh: TRUNG HIẾU

“Hỗ trợ trong năm 2009 coi như doanh nghiệp đã xây dựng được phần móng để năm 2010 chiến đấu với hàng nhập khẩu, nhất là Trung Quốc. Nay việc bỏ ưu đãi trên khiến doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn dù rằng năm 2010 thị trường trong và ngoài nước được rộng mở” – ông Chi nói.

Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện nay họ vay vốn tại một số ngân hàng đang phải chịu lãi suất 17%-18%/năm. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại TP.HCM nhận định khá bi quan về hiệu quả kinh doanh của công ty trong năm 2010. Theo đó, rào cản đầu tiên là doanh nghiệp phải gánh chi phí vốn tăng cao hơn so với năm rồi do phải vay lãi suất cao hơn và không còn được hỗ trợ 4% lãi suất ngắn hạn. Bên cạnh đó, cũng chính vì kinh tế thế giới hồi phục nên hàng loạt nguyên phụ liệu đầu vào sẽ tăng theo. Chẳng hạn, ngay từ những ngày đầu năm, giá nguyên liệu thủy sản nhập khẩu về chế biến đã tăng 10%-15%. Giá bao bì, nhân công dự kiến cũng nhích hơn so với năm 2009. 

Nên thay đổi trần lãi suất

Việc doanh nghiệp kêu đang phải vay vốn với mức lãi 18%-19% đang tạo ra vấn đề thời sự nóng nhưng các ngân hàng cho rằng nếu không cho vay với mức lãi như vậy thì họ không thể tồn tại.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại TP.HCM phân tích, hiện trần lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ấn định. Với lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước công bố 8% như hiện nay, các ngân hàng chỉ được phép cho vay không quá 12%/năm. Tuy nhiên với mức lãi đầu ra là 12%/năm thì không có ngân hàng nào có thể hoạt động bởi thực tế, hiện nhiều ngân hàng đang huy động tiền gửi đầu vào đã xấp xỉ mức lãi này. Dù nhiều ngân hàng vẫn thông báo lãi suất huy động tiền gửi là 10,499% nhưng khi cộng thêm các khoản khuyến mãi, thưởng lãi… thì lãi suất huy động cũng đã tương đương lãi suất trần cho vay 12%/năm. Đây đang là nghịch lý về lãi suất mà nếu Ngân hàng Nhà nước không sớm có cơ chế thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Theo vị phó tổng giám đốc này, việc lãi suất ngân hàng hiện quá cao còn bởi lý do: ngoài việc cân đối lãi suất đầu ra, đầu vào để đảm bảo thanh khoản, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, nghĩa là phải tính toán các khoản vay, cho vay làm sao phải có lãi để mang lợi nhuận về cho cổ đông.

Liên quan đến nghịch lý trong cơ chế lãi suất khiến doanh nghiệp, người dân phải vay với mức lãi cao, còn ngân hàng không thể hạ lãi suất vì còn đảm bảo thanh khoản hiện nhiều chuyên gia kinh tế đang hiến kế một cơ chế điều hành lãi suất mới.

Nên có hai trần lãi suất

về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nên có mức trần về lãi suất huy động tiền gửi và nên thay đổi trần lãi suất cho vay hiện nay theo lãi suất thỏa thuận. Cơ chế điều hành việc này là mỗi ngày Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất bình quân liên ngân hàng và xem đây như lãi suất cơ bản để các ngân hàng thương mại căn cứ theo mà áp dụng trong các hoạt động cho vay hay huy động vốn.

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

BÙI NHƠN – TRUNG HIẾU
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật TP HCM