Doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng nếu không liêm chính
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vậy nguyên nhân tại sao doanh nghiệp biết mà chưa làm? Đây là một trong những vấn đề được đưa ra tại Hội thảo Công bố Báo cáo khảo sát hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu xây dựng năng lực của doanh nghiệp do VCCI tổ chức mới đây.

29% doanh nghiệp triển khai chính sách liêm chính

Kết quả cuộc khảo sát về hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh được VCCI phối hợp với Công ty Tư vấn Quản lý OCD thực hiện trong tháng 9 và tháng 10 trong năm 2015, và được thực hiện tại 3 thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với 180 doanh nghiệp gồm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực chế biến lương thực và thực phẩm, da giày, dệt may, ngành công nghiệp lắp ráp, điện – điện tử, ngân hàng. Theo chuyên gia thống kê Trần Thị Kim Thu có 92,72% – 93,82%  doanh nghiệp đều hiểu đầy đủ nguyên tắc và khái niệm về minh bạch và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh; 54% doanh nghiệp có biết về tính minh bạch và cạnh tranh trong Hiệp định FTA và các doanh nghiệp còn lại (hoạt động trong ngành Chế biến lương thực, thực phẩm, da giày và dệt may) không biết do chưa được phổ biến rộng rãi. Phó tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm, trong khi có gần 94% doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ về liêm chính, minh bạch cũng như các quy tắc ứng xử trong kinh doanh, nhưng chỉ có 29% doanh nghiệp đã triển khai các quy chế, chính sách, quy trình liên quan đến kinh doanh liêm chính, minh bạch.

Kết quả cũng cho thấy, việc doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và hiểu đúng về liêm chính trong kinh doanh chiếm 55% và họ đồng ý cho rằng, liêm chính phải gắn liền với các nguyên tắc, chuẩn mực về đạo đức và quy phạm pháp luật nhằm tạo ra rào cản đối với nạn tham nhũng, hối lộ.

Qua khảo sát, doanh nghiệp nước ngoài thực hiện quy chế liêm chính minh bạch của doanh nghiệp nhiều hơn doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, có 73% doanh nghiệp nước ngoài được khảo sát là có thực hiện quy chế liêm chính, minh bạch, trong khi đó, chỉ có 59% doanh nghiệp trong nước thực hiện quy chế này. 

Liêm chính giúp doanh nghiệp tăng vị thế trong chuỗi sản xuất

Khảo sát cho thấy, doanh nghiệp thường gặp khó khăn khi giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước; có 48% doanh nghiệp cho rằng, thi thoảng và thường xuyên gặp khó khăn khi giao dịch các cơ quan chức năng liên quan tới thuế, hải quan. Trong đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giầy, Ngân hàng và Chế biến lương thực và thực phẩm có tần suất gặp hành vi gây khó khăn của cơ quan nhà nước cao nhất.

Trước sự gây khó khăn từ các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp đã chọn cho mình cách đi tắt, thiếu chính tắc. Đây cũng được coi là một trong những động thái thiếu liêm chính của doanh nghiệp. Vì sao lại có tình trạng này? Đây là một vấn đề lớn đặt ra cần phải giải quyết nếu chúng ta mong muốn có một môi trường kinh tế cạnh tranh bình đẳng. Một trong những lý do được chuyên gia thống kê Trần Thị Kim Thu đưa ra khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện và thực hiện chưa thành công chương trình liêm chính trong doanh nghiệp so với các công ty đa quốc gia có lý do là các doanh nghiệp này chưa đủ khả năng kiểm soát hết các quy định về hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thiếu nhân lực, khó khăn trong việc xác định giá trị cốt lõi và nếu có triển khai thì việc phổ biến, đào tạo thường xuyên còn hạn chế, chưa có sự đồng thuận cao trong doanh nghiệp. Ngoài ra, còn lý do khác nữa đó là các doanh nghiệp khi hoạt động không có sự đồng thuận và không có hoạt động tăng cường vai trò của các nhà lãnh đạo, tính trách nhiệm trong cộng đồng kinh doanh.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khi các hiệp định thương mại tự do mở ra, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các định chế về hoạt động có trách nhiệm, nếu không chủ động tuân thủ quy định về liêm chính và thông lệ tốt về minh bạch trong kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ tự loại bỏ mình ra khỏi sân chơi quốc tế. Do vậy, hơn lúc nào hết, đây chính là thời điểm mà các doanh nghiệp cần phải thể hiện tính liêm chính khi muốn khẳng định được sự tồn tại và vị thế của mình trong chuỗi sản xuất và hội nhập quốc tế.

Khi đề cập đến vấn đề này, chuyên gia cao cấp về trách nhiệm xã hội, Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hiệp quốc (UNIDO) Florian Beranek cho biết: các nguyên tắc liêm chính không còn giới hạn trong phạm vi tuân thủ phổ biến hiện nay mà thuộc về văn hóa doanh nghiệp được xây dựng trên các giá trị như minh bạch, tin tưởng, tôn trọng và khoan dung. Đây là những nền tảng của doanh nghiệp hiện đại có khả năng thành công trên thị trường toàn cầu. Liêm chính tạo ra không gian mở cần thiết cho sáng tạo và đổi mới của doanh nghiệp. Liêm chính là nền tảng của doanh nghiệp hiện đại, giúp doanh nghiệp có khả năng thành công trên thị trường quốc tế vì nó giúp doanh nghiệp tăng vị thế trong chuỗi sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng. Và khi doanh nghiệp minh bạch, liêm chính sẽ thúc đẩy mọi hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Đồng quan điểm này, Phó tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh cho rằng, sự minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp chính doanh nghiệp đó kinh doanh thuận lợi, tránh rủi ro pháp lý trong trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời gian qua, VCCI đã cố gắng giúp đỡ doanh nghiệp thực hiện liêm chính trong hoạt động bằng cách tổ chức các buổi hướng dẫn, công bố các tài liệu liên quan đến liêm chính trong doanh nghiệp thậm chí là in thành các văn bản, sách… vì thế việc thực hiện liêm chính là nghĩa vụ của doanh nghiệp trong thời kỳ mà Việt Nam đã và đang ký các hiệp định.

Thanh Bình 
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân