Doanh nghiệp lúng túng với quy định quản lý thép nhập khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vướng về giấy phép nhập khẩu tự động

Để kiểm soát chặt thép nhập khẩu, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 12 về vấn đề áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động (trở lại) cho việc nhập khẩu sản phẩm thép, bắt đầu từ ngày 26.7. Thông tư này quy định việc áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động đối với sản phẩm thép là hàng tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu; hàng nhập khẩu không có mục đích thương mại sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này và được tiến hành theo những quy định quản lý của pháp luật hiện hành. Theo đó, giấy phép nhập khẩu tự động được cấp trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp giấy phép nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân. Trường hợp thương nhân có đăng ký hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động qua hệ thống internet, giấy phép nhập khẩu tự động được cấp trong thời hạn 5 ngày làm việc.

Tuy nhiên, để nhận được giấy phép nhập khẩu tự động, khi đăng ký qua mạng, dù đã đính kèm tất cả hồ sơ, giấy tờ cần thiết, theo quy định, doanh nghiệp vẫn buộc phải gửi kèm hồ sơ giấy. Theo đó, tính từ thời điểm doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ giấy, mới được xem xét, cấp giấy phép nhập khẩu tự động. Đại diện Hiệp hội Cơ khí cho rằng, dù theo quy định, chỉ  5 – 7 ngày là doanh nghiệp nhận được giấy phép nhập khẩu tự động nhưng có doanh nghiệp sau 10 ngày vẫn chưa nhận được giấy phép. Không ít chuyên gia kiến nghị rằng, khi đăng ký qua mạng, doanh nghiệp đều đã đính kèm tất cả hồ sơ, giấy tờ đầy đủ do vậy không cần thiết phải nộp hồ sơ giấy bởi sẽ làm kéo dài thêm thời gian doanh nghiệp nhận được giấy phép nhập khẩu tự động. Hơn nữa, một doanh nghiệp thép thông thường mỗi tháng có khoảng 20 tờ khai nhưng chỉ với một vài chuyên viên về xuất nhập khẩu, nếu chấp nhận văn bản điện tử sẽ giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, góp phần đạt mục tiêu giảm thời gian thông quan.

Mặt khác, thủ tục trả giấy phép nhập khẩu tự động cũng khiến gia tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Bởi Bộ Công thương sẽ trả qua phòng văn thư và chuyển phát nhanh, đến khi nhận được doanh nghiệp buộc phải thanh toán tiền cho dịch vụ chuyển phát nhanh. Đáng nói là không hề có một hóa đơn nào ghi nhận đó là chi phí của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thắc mắc không rõ việc trả phí chuyển phát nhanh được quy định tại điều nào trong thông tư và doanh nghiệp có được trực tiếp nhận giấy phép nhập khẩu tự động, thay vì qua con đường chuyển phát nhanh hay không?

Lúng túng với kiểm tra chất lượng

Không chỉ gặp khó khăn khi thực hiện Thông tư 12/2015, các doanh nghiệp ngành thép đang từng ngày, từng giờ chờ đợi Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi toàn diện Thông tư liên tịch 44/2013 quy định về chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Điểm chưa hợp lý của Thông tư này còn ở chỗ sau 3 lần kiểm tra liên tục, doanh nghiệp sẽ được miễn giảm lần thứ 4 song đến lần thứ 5 lại quay về kiểm tra lại từ đầu. Điều này sẽ làm mất đi ý nghĩa về tiết giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

 Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, thời gian kiểm tra chất lượng mặt hàng thép, dây thép theo quy định tại Thông tư 44/TTLT-BCT-BKHCN kéo dài 2 – 4 tuần. Đại diện Bộ Công thương cho rằng, để giảm bớt thời gian kiểm tra chất lượng thép, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc sử dụng dịch vụ trả kết quả nhanh, mặc dù chi phí cao hơn nhưng sẽ phần nào giảm thời gian lưu kho, lưu bãi cho doanh nghiệp.

Theo đại diện Hiệp hội Cơ khí, việc tăng cường quản lý chất lượng thép đầu vào là biện pháp tốt của cơ quan quản lý, song trong quá trình thực hiện phát sinh rất vướng mắc. Cụ thể theo Thông tư 44, đối với mặt hàng có hàm lượng hợp kim, để làm được thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp buộc phải đăng ký năng lực sản xuất. Chỉ được cấp một bản gốc về năng lực sản xuất song tại một thời điểm, doanh nghiệp thực hiện khoảng 5 – 6 bộ tờ khai tại các cửa khẩu khác nhau và khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan đều yêu cầu phải có văn bản gốc của Bộ Công thương. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải gửi công văn từ tỉnh này sang tỉnh khác, gây tốn kém về mặt chi phí và thời gian. Do vậy, nên xem xét cho phép đăng bản gốc về năng lực sản xuất lên hệ thống điện tử, tạo điều kiện để các chi cục hải quan dễ dàng tra cứu, giúp hoạt động thông quan hàng hóa nhập khẩu được nhanh chóng.

Có ý kiến cho rằng, Thông tư 44 chủ yếu tập trung vào kiểm tra, giám sát hàng hóa có mục đích gian lận, chuyển từ hàng chế tạo sang thép xây dựng nhằm phá vỡ sản xuất nội địa nhưng lại kiểm soát cả những mặt hàng không sản xuất được như linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy hoặc các mặt hàng thép tấm, làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương Phạm Thu Giang lý giải, nhiều doanh nghiệp vẫn lầm tưởng rằng, thép nhập khẩu để sử dụng mới buộc phải kiểm tra chất lượng song về nguyên tắc, mọi loại thép nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện thủ tục này, không phân biệt đó là thép nhập để sử dụng hay nhập để sản xuất.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kiến nghị, đối với doanh nghiệp nhập khẩu cùng một mã thép, chưa gặp sai sót hay vi phạm về nhập khẩu hàng hóa có thể cho phép ưu tiên miễn kiểm tra trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm. Bởi theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, mỗi năm họ phải mất vài tỷ đồìng cho việc kiểm tra chất lượng thép, chi phí nhập về của mỗi lô hàng từ 4 – 5 triệu đồìng và thời gian đợi kiểm tra chất lượng khoảng 7 ngày để có kết quả. Như vậy, tính ra thời gian để doanh nghiệp giao được hàng mất khoảng gần 1 tháng, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thảo Mộc
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân