Doanh nghiệp lỗ, ngân hàng lãi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nghịch lý

Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vitaco chỉ đưa ra các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh khiêm tốn cho năm 2011. Trong năm, công ty sẽ có thời điểm dừng hoạt động để tiến hành sửa chữa đội tàu theo định kỳ và dự kiến lãi vay của công ty cũng gia tăng vì công ty vay bằng đồng ngoại tệ. Vì vậy, Vitaco chỉ đưa ra mục tiêu là đạt tổng doanh thu 1.286,8 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2010; lợi nhuận trước thuế đạt 74,85 tỷ đồng, giảm 27% so năm trước.

Vitaco chỉ là một trong vô số các doanh nghiệp (DN) phải giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2011 vì đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Đặc biệt lãi suất cho vay của ngân hàng (NH) đang ở mức cao ngất ngưởng, từ 20 – 24%/năm đã khiến nhiều DN rất khó khăn với những khoản nợ đã vay từ trước. Theo ước tính, lợi nhuận bình quân của nhiều DN trong năm 2010 chỉ ở mức 15 – 20% và dự báo, tỷ lệ lợi nhuận này sẽ giảm mạnh trong năm nay, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ cầm chắc mức lỗ.

Ngược lại với điều đó, các NH vẫn tiếp tục đưa ra kết quả kinh doanh đầy khả quan. Cụ thể như NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đặt kế hoạch năm 2011 đạt lợi nhuận trước thuế 2.700 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2010. NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dự kiến lợi nhuận sẽ tăng 26% so với năm 2011, đạt tối thiểu 3.000 tỷ đồng; NH Á Châu (ACB) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2011 là 4.100 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2010 cũng như các chỉ tiêu khác như tổng tài sản, huy động vốn đều tăng từ 30 – 40%; …

Những con số lợi nhuận cao ngất ngưởng của ngành NH không làm nhiều người ngạc nhiên, TS. Lê Thẩm Dương, Trường ĐH Ngân hàng nhận xét: Dù tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước sẽ khiến lợi nhuận ròng của ngành NH giảm đi so với những năm trước, tuy vậy lợi thế chính của ngành này là vẫn mang tính khá độc quyền trong việc cung cấp nguồn vốn cho các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vì vậy các NH vẫn lãi lớn dù DN khó khăn.

Lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?

Dường như mọi khó khăn của nền kinh tế hay gánh nặng lãi suất, thắt chặt tiền tệ đều chỉ đổ dồn lên vai các DN. Đặc biệt, việc trần lãi suất được quyết định ở mức 14% nhưng đầu ra lại thả nổi càng khiến các ngân hàng có quyền nâng cao lãi suất cho vay trong thời điểm khan hiếm vốn như hiện nay. Đôi khi các NH phải “vượt rào” huy động lãi suất lên 17-18% nhưng “nước lên thuyền lên”, họ lại cho vay cao hơn.

Bên cạnh đó, các NH cũng đã tận dụng được nhiều cơ hội kinh doanh trên thị trường liên NH thông qua các công cụ cầm cố chiết khấu giấy tờ có giá cũng như cho vay lại. Trong hoạt động này thì đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là những NH lớn. Thời gian qua, lãi suất liên NH liên tục biến động và đã có thời điểm tăng mạnh lên tới 23%/năm, lãi suất một tuần ở mức 16 – 18%/năm, mức chênh lệch khá lớn so với huy động vốn trên thị trường dân cư.

Ngân hàng Nhà nước đã qui định, tăng trưởng tín dụng năm nay của ngành ngân hàng dưới 20% và dự kiến tín dụng cả năm sẽ tăng khoảng 460.000 tỷ đồng. Một số chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, để tạo nên sự công bằng cho tất cả NH cũng như để ngành NH chia sẻ bớt khó khăn cho DN nên thay đổi qui định trần lãi suất huy động hiện nay thành thả nổi và có thể áp trần lãi suất cho vay.

Điều này sẽ hạn chế được việc nhiều NH đua nhau vượt rào tăng lãi suất bởi NH nào huy động cao thì lãi ít. Đồng quan điểm trên, TS. Lê Thẩm Dương cũng cho rằng việc áp dụng biện pháp hành chính cho lãi suất đầu vào nhưng không áp dụng cho đầu ra càng khiến các NH có điều kiện nâng cao tỉ suất biên lợi nhuận cho hoạt động tín dụng của mình (chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra) đồng thời gây khó khăn cho các NH nhỏ.

Lê Yến
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam