Doanh nghiệp ngành dược vẫn “sáng”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) đạt 976 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý II/2014, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2013; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 153,6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DHG đạt 1.704 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 272 tỷ đồng, tăng 12,4% so với 6 tháng đầu năm 2013. Trong quý II/2014, chi phí bán hàng của DHG tăng mạnh từ 158 tỷ đồng lên 251 tỷ đồng do Công ty đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo, truyền thông nhằm giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

DHG có lợi thế quy mô và mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, gồm 12 công ty con, 24 chi nhánh và 20.000 đại lý. Theo nhận định của CTCK FPT, việc tập trung nguồn lực để phát triển và tận dụng lợi thế về mạng lưới phân phối là hướng đi khá sáng cho DHG trong các năm tới. Gần đây, DHG có động thái thay đổi chiến lược bán hàng, tiếp cận nhà thuốc và các hợp đồng ký kết, nhất là với MSD-Merck&Co (tổ chức chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới, có đối tác kinh doanh tại hơn 140 quốc gia, trụ sở chính đặt tại Whitehouse Station, N.J., Hoa Kỳ) cho thấy, DHG đang tích cực đẩy mạnh quá trình này.

Với CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), là doanh nghiệp đầu tư chiều sâu cho công nghệ và chất lượng nên IMP không tránh khỏi ảnh hưởng bởi Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC về đấu thầu trong bệnh viện. Nếu cả năm 2013, doanh thu của IMP qua kênh đấu thầu trong bệnh viện giảm 30% thì 6 tháng đầu năm 2014, kênh này giảm gần 54%.

Tuy nhiên, Công ty đã nhanh chóng chuyển hướng thị trường, tập trung nguồn lực để phát triển kênh nhà thuốc (OTC). Kết quả, kênh OTC của IMP đạt mức tăng trưởng 42% trong năm 2013 và trên 39% trong 6 tháng đầu năm 2014. Do kênh ETC (kênh điều trị) giảm từ 65% xuống 30% nên doanh thu 6 tháng đầu năm của IMP giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 373 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 5%, đạt 43 tỷ đồng.

Được biết, IMP vẫn đang nâng cấp các nhà máy Penicillin tiêm và Cephalosporin lên tiêu chuẩn PIC/S-GMP để tăng khả năng cạnh tranh cho công tác đấu thầu vào bệnh viện và hướng đến xuất khẩu khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Đây là hai nhà máy dược phẩm nội địa hiếm hoi tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế như PIC/S-GMP hay EU-GMP, giúp mở ra triển vọng tăng trưởng trở lại của kênh ETC cho IMP trong các năm sắp tới.

CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) có doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng khá mạnh: doanh thu đạt 772 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế đạt 62 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái. DMC hiện là doanh nghiệp dẫn đầu trong cung ứng thuốc giá rẻ, có thị trường xuất khẩu ổn định sang các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi.

Tại CTCP Dược phẩm OPC (OPC), chi phí bán hàng quý II/2014 tăng cao khiến lợi nhuận của Công ty chỉ đạt 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2013 lãi 18,7 tỷ đồng. Do OPC đẩy mạnh công tác bán hàng (chi phí bán hàng tăng từ 37,5 tỷ đồng lên 53,3 tỷ đồng) nên doanh thu thuần tăng 13,3%, đạt 162 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, OPC lãi ròng 35,8 tỷ đồng, tăng 5,3% so với 6 tháng đầu năm 2013.

CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (PMC) có chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2014 lần lượt tăng 13,8% và 18,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, nhờ doanh thu từ nhượng bán phụ liệu tăng từ 3 tỷ đồng lên 282 tỷ đồng, nên PMC đạt 173,7 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng, tăng 20,6%.

CTCP Traphaco (TRA) – doanh nghiệp sản xuất, phân phối đông dược lớn nhất tại Việt Nam, đạt 557,4 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2014, giảm 23%; lợi nhuận sau thuế đạt 53,6 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phan Hằng
Nguồn: http://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-nganh-duoc-van-sang-101307.html