Doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị được vay ngoại tệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao. 

Năm 2000 kim ngạch xuất khẩu đạt 219 triệu USD, đến năm 2011 đã đạt trên 4 tỷ USD, sản phẩm gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 quốc gia trên thế giới. 

Để có gỗ sản xuất xuất khẩu, mỗi năm doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải nhập khẩu 4 triệu m3 gỗ, trong quá trình này, các doanh nghiệp đã được Ngân hàng cho vay ngoại tệ (USD) với lãi suất 6-7%/năm.

Tuy vậy, trong tình hình thắt chặt tài chính hiện nay, việc hạn chế không cho các doanh nghiệp Việt Nam vay ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng vốn có chi phí vay thấp có thêm cơ hội thao túng thị trường và đi đến độc quyền cung cấp nguyên liệu trong ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam.

Hiện các doanh nghiệp cung ứng gỗ nội địa đang phải chịu chi phí vay VNĐ quá cao so với các doanh nghiệp nhập khẩu bằng nguồn vay ngoại tệ. Vì vậy, các nhà máy chế biến gỗ không chịu chấp nhận mua gỗ từ các doanh nghiệp cung ứng gỗ nội địa. 

Trong khi đó, nếu mua từ các nguồn gỗ không thông qua doanh nghiệp chuyên nghiệp sẽ đem lại chịu rủi ro về chất lượng hàng hóa, chi phí tăng lên và rủi ro trong quá trình đàm phán nhập khẩu những lô hàng nhỏ lẻ.

Do đó, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, để mục tiêu đề ra năm 2012 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,3 tỷ USD, việc hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách cho vay ngoại tệ phục vụ nhập khẩu nguyên liệu trên cơ sở cân đối nguồn thu ngoại tệ của ngành là rất cần thiết./. 

Theo Vietnamplus