Doanh nghiệp nội lo mất thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo dự thảo thông tư công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, doanh nghiệp FDI sẽ được phép phân phối gạo, dầu thô, dược phẩm…  

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về vấn đề này, ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Minh Cát (chuyên kinh doanh phân phối gạo ở TPHCM), cho rằng việc chấp nhận cho doanh nghiệp FDI tham gia phân phối lúa gạo sẽ là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bởi với quy mô nhỏ và tiềm lực vốn liếng ít ỏi, các doanh nghiệp trong nước khó lòng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Dũng nói kinh nghiệm trong ngành cà phê cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang “đuối” dần so với các doanh nghiệp FDI thu mua và phân phối xuất khẩu cà phê ở Việt Nam.

Tương tự, đối với mặt hàng dược phẩm, giám đốc một công ty trong ngành dược cho rằng, thị trường dược phẩm trong nước cũng đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp nội và các tập đoàn đa quốc gia như Sanofi, GSK, Novartis… Hiện nguyên liệu đang chiếm đến 50- 80% giá vốn của ngành dược và đây cũng là thế mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI so với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Vị giám đốc này cho biết, với nguồn vốn lớn, các doanh nghiệp FDI luôn chiếm lợi thế từ việc chào mua nguyên liệu với số lượng lớn đi kèm nhiều khoản chiết khấu mua hàng cùng nhiều điều khoản ưu đãi khác giúp giá nguyên liệu của các doanh nghiệp FDI thấp hơn nhiều so các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn. Ngoài ra, sự linh hoạt chủ động trong việc tổ chức nguồn cung ứng nguyên liệu cũng là lợi thế của các doanh nghiệp FDI khi họ có được nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau (châu Âu, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan…) với giá tốt nhất, đồng thời giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một số đối tác lớn.

Theo Bộ Công Thương, trong dự thảo mới quy định các mặt hàng gồm lúa gạo; đường mía, đường củ cải; thuốc lá và xì gà; dầu thô và dầu đã qua chế biến; dược phẩm; thuốc nổ; sách báo, tạp chí; kim loại quý và đá quý … đều nằm trong danh mục hàng hóa thực hiện quyền phân phối, thay vì thuộc danh mục hàng hóa không được quyền phân phối như đã được quy định tại Quyết định10/2007/QĐ-BTM.

Theo Bộ Công Thương, dự thảo thông tư mới khi được ban hành sẽ thay thế Quyết định 10/2007/QĐ-BTM do Bộ Công thương ban hành trước đây, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2014.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/thuongmai/105645/Doanh-nghiep-noi-lo-mat-thi-truong.html