Doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục than phiền về Nghị định 46
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại cuộc tọa đàm với sự tham dự của gần 100 đại diện doanh nghiệp, diễn giả Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc VCCI – chi nhánh TPHCM, dẫn chứng những điểm mới tích cực mà Nghị định 46 được kỳ vọng sẽ mang lại cho thị trường lao động, đó là rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, đơn giản hóa thủ tục hành chính và linh hoạt hơn đối với lao động nước ngoài có trình độ. Tuy nhiên, bà Hà cũng nêu ra những vấn đề có thể gây e ngại nơi doanh nghiệp tuyển dụng lao động, đó là hiệu quả của sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành có liên quan trong việc thực thi nghị định này.

Diễn giả Oliver Massmann, Tổng giám đốc công ty luật Duane Morris Vietnam, cũng nêu ra những điểm tích cực của nghị định mới, cụ thể trong vấn đề mở rộng diện người lao động nước ngoài được miễn giấy phép lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, Nghị định 46 có khá nhiều điểm bất hợp lý và điều này có thể gây khó cho các doanh nghiệp.

Ông dẫn chứng về yêu cầu thông báo công khai nhu cầu tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển lao động nước ngoài. Điều này được quy định trong Điều 1.3 và 1.9 của Nghị định 46. Cụ thể, doanh nghiệp trước khi tuyển lao động người nước ngoài, ít nhất 30 ngày, người sử dụng lao động phải thông báo nhu cầu tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người nước ngoài trên cả báo trung ương và báo địa phương. 

Theo ông Massmann, điều này sẽ làm quá trình tuyển dụng của doanh nghiệp bị kéo dài bắt buộc phải áp dụng cho tất cả các nhân viên nước ngoài, bao gồm cả giám đốc điều hành và chuyên gia kỹ thuật hàng đầu. Còn nếu doanh nghiệp không thực sự muốn tốn thời gian cho quá trình tìm hiểu nghiên cứu hồ sơ, phỏng vấn để sàng lọc ứng viên sau khi đăng thông báo thì đối mặt với nguy cơ bị kiện từ các ứng viên là lao động Việt Nam.

Một số đại diện doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp cũng chia sẻ quan điểm của ông Massmann rằng quy định mới này có thể gây ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp Việt Nam đang muốn tuyển dụng lao động nước ngoài cấp cao nhằm tăng vị thế cạnh trang và phục vụ cho mục tiêu mở rộng ra thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, ông Massmann e ngại quy định này sẽ vi phạm điều khoản 8.2 trong hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA) về đảm bảo quyền của các công ty tham gia quản lý nhân viên hàng đầu của họ bất kể quốc tịch.

Một quy định khác được đánh giá thiếu tính khả thi đó là Điều 1.13 của Nghị định 46 với nội dung khi gia hạn giấy phép cho người lao động nước ngoài, doanh nghiệp phải nộp bản sao hợp đồng học nghề với người lao động Việt Nam nhằm đào tạo người thay thế vị trí trên của người nước ngoài.

Ông Massmann e ngại đã có sự lẫn lộn giữa “hợp đồng học nghề” (apprenticeship contract) và “hợp đồng đào tạo” (training contract) vì trên thực tế, hợp đồng học nghề có thể được ký bởi doanh nghiệp với một người sẽ được đào tạo trở thành công nhân, người thợ chứ không thể trở thành một giám đốc điều hành (CEO) hoặc giám đốc tài chính được (CFO).

Trong khi đó, quy định này có thể không phù hợp với Điều 132 của Bộ luật Lao động – vốn chỉ yêu cầu “doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân được tuyển người nước ngoài cho một thời hạn nhất định nhưng phải có kế hoạch, chương trình đào tạo để người Việt Nam có thể sớm làm được công việc đó và thay thế họ”.

Nhiều đại điện doanh nghiệp cũng góp ý việc các cơ quan chức năng thực thi những quy định mới nên hướng đến mục tiêu chung là tạo điều kiện thuận lợi cho lao động có tay nghề được làm việc tại Việt Nam. Và khi đó, rất cần những chính sách linh hoạt phù hợp để thực hiện việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam có hiệu quả, có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế phát triển và hài hòa lợi ích giữa nhà nước – doanh nghiệp – người lao động trong lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng sắp tới thông tư hướng dẫn thi hành sẽ thống nhất cách hiểu về các điều khoản của luật, nghị định để bảo đảm sự chặt chẽ bảo đảm quyền lợi lẫn nghĩa vụ cho người lao động và người sử dụng lao động

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online