Doanh nghiệp sản xuất cao su trong nước gặp khó
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Gian lận thương mại

Hiện, các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với tình trạng sác sản phẩm săm lốp nước ngoài đang ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu theo đường tiểu ngạch, gần như không có sự kiểm soát về chất lượng, giá cả, thương hiệu… tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.

Các đơn vị nhập khẩu khai báo giá tính thuế thấp hơn nhiều so với giá thực tế (dưới 50%) với mục đích trốn thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện tượng gian lận thương mại này xảy ra rất phổ biến.

 Ông Lê Văn Trí – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam (CASUMINA) đưa ra ví dụ: Một bộ lốp (gồm lốp, săm, yếm) xe tải quy cách 11.00R20/18pr mới 100% nhãn hiệu Good Friend nhập từ Trung Quốc có giá mua thực tế 250 USD/bộ nhưng nhà nhập khẩu chỉ ghi hóa đơn nhập 115 USD/bộ. Như vậy, theo tính toán, thuế nhập khẩu và thuế VAT, ngân sách Nhà nước bị thất thoát tổng cộng  58,05 USD/bộ.

Hiện tượng săm lốp giả, nhái cũng làm các doanh nghiệp đau đầu. Nhiều loại săm xe máy giả nhãn hiệu SRC (cao su Sao Vàng) và Casumina (cao su Miền Nam) sản xuất từ Trung Quốc được đưa về qua các cửa khẩu biên giới Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai…

Ông Lê Văn Trí cũng cho biết thêm, công ty đã có lúc “buông xuôi” trước tình trạng hàng giả, hàng nhái. Hàng nhái của Trung Quốc nhái thương hiệu của CASUMINA “lập lờ đánh lận con đen” bằng thương hiệu “Casurina” để nhái sản phẩm của công ty.

Khi phát hiện ra lô hàng nhái, công ty cũng đã có báo cáo và đề nghị các ngành chức năng vào giải quyết, nhưng mọi việc cũng chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính và đâu lại hoàn đấy.

Bất cập về hàng rào kỹ thuật

Các doanh nghiệp sản xuất cao su trong nước còn gặp khó trong việc kiểm tra chất lượng cho sản phẩm. Theo Nghị định 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004, sản phẩm săm lốp sản xuất trong nước phải được chứng nhận hợp chuẩn của Trung tâm Quacert thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam và phải đạt Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản JIS K6366: 1998. Nhưng theo Quyết định số 58/2007/QĐ-BGTVT ngày 21/01/2007 của Bộ Giao thông vận tải thì sản phẩm lốp xe máy phải được Cục đăng kiểm – Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam.

Với cùng một nội dung chứng nhận sản phẩm lốp xe máy của phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam thì hai văn bản pháp lý trên là chồng chéo.

Thêm vào đó, khi xuất khẩu sang các nước khác, sản phẩm săm lốp Việt Nam còn phải hợp chuẩn theo quy định của từng nước, ví dụ: để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Malaysia phải được chứng nhận đạt theo tiêu chuẩn DOT của Mỹ, vào thị trường Châu Âu phải đạt tiêu chuẩn chất lượng E-mark…

Trong khi đó, ở nước ta do chưa xây dựng được hàng rào kỹ thuật nên rất nhiều nhãn hiệu săm lốp chất lượng thấp từ các nước trong khu vực được nhập một cách dễ dàng vào Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của người tiêu dùng.

Khó mua nguyên liệu

Việt Nam là nước xuất khẩu mủ cao su lớn, nhưng một nghịch lý là các doanh nghiệp trong nước lại thiếu nguyên liệu để sản xuất! Ông Đinh Ngọc Đạm – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết: Năm 2010, công ty cần khoảng 13.000 tấn cao su nguyên liệu để sản xuất.

Tuy nhiên, việc mua nguyên liệu rất khó khăn và công ty mới mua được của Tập đoàn Cao su được khoảng 4.000 tấn. Để đảm bảo đủ hàng cho sản xuất, DRC phải mua nguyên liệu ở bên ngoài với chất lượng không ổn định như về tính năng cơ lý, độ nhớt, thành phần tạp chất… nên phải mất thêm chi phí để xử lý nguyên liệu.

Chia sẻ thêm, ông Lê Công An – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) nói: Năm 2010, công ty cần khoảng 8.000 tấn cao su nguyên liệu cho sản xuất. Từ trước đến nay, công ty cũng chỉ mua được rất ít cao su nguyên liệu từ Tập đoàn Cao su Việt Nam, chủ yếu vẫn mua của các công ty ngoài.

Việc này cũng gây khó khăn trong việc sản xuất vì chất lượng không ổn định nên phải chọn lọc và phân loại từng dòng nguyên liệu cho sản xuất phù hợp.

Không chỉ thiếu nguyên liệu cho sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất cao su trong nước còn gặp nhiều khó khăn như các biện pháp về thuế. Ông  Lê Công An đề nghị: Nhà nước cần có chính sách xem xét giảm mức thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho một số loại mặt hàng như van săm xe và màng lưu hóa từ mức 5% hiện nay xuống chỉ còn 0%.

Vì hai mặt hàng này sản xuất trong nước chất lượng chưa cao và chỉ dùng như nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm cao su, không sử dụng được cho mục đích tiêu dùng khác nên vẫn phải nhập khẩu.

Thứ hai nữa là xem xét tăng thuế nhập khẩu săm lốp các loại, cần có biện pháp mạnh với việc khai man trốn thuế nhập khẩu để tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Năm 2010, dự kiến tổng sản lượng cao su trong nước khoảng 300.000 tấn, trong đó khoảng 100.000 tấn cho sản xuất cao su trong nước, còn lại xuất khẩu. Như vậy, trong bối cảnh các đơn vị trong nước còn thiếu nguyên liệu để sản xuất thì nên có chính sách hạn chế xuất khẩu, ưu tiên cho cho sản xuất trong nước, phù hợp với chủ trương hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô.

Nguyễn Duyên
Bài đăng trên DOANH NHÂN & PHÁP LUẬT số 60 ra ngày 5.11.2010