Doanh nghiệp ô tô xin giảm thuế: Vì sao Bộ Tài chính lắc đầu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Khuyến nghị” có lợi cho Toyota

Trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cùng nhiều đơn vị khác, ông Akito Tachibana, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam (TMV) cho biết theo cam kết CEPT, thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc giảm dần xuống 60 phần trăm vào năm 2013 và xuống 0 phần trăm vào năm 2018, đồng nghĩa với việc giá xe nhập khẩu sẽ giảm dần và đi ngang từ năm 2018. Như vậy sản xuất ô tô trong nước sẽ phải cạnh tranh hết sức quyết liệt với xe nhập khẩu nguyên chiếc và sẽ có 2 khả năng xảy ra đối với sản xuất lắp ráp trong nước.

Theo đó nếu Nhà nước có chính sách ưu tiên cho dòng xe chiến lược, dòng xe này sẽ tăng nhanh doanh số bán, đủ để mở rộng đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, hạ giá thành sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Khả năng thứ 2 sẽ xảy ra khi chính sách của Nhà nước không xác định rõ ưu tiên cho dòng xe chiến lược. Thị trường Việt Nam có quy mô nhỏ nhưng có nhiều dòng xe như hiện nay thì sản lượng và doanh số của từng dòng xe sẽ rất nhỏ và phân tán, kết quả là không dòng xe nào đạt được số lượng đủ lớn cho việc nội địa hóa để hạ giá thành. Như vậy từ nay đến 2018, các dòng xe sản xuất trong nước không cạnh tranh nổi với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

“Các nhà sản xuất sẽ chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc. Nếu như vậy Việt Nam không những không phát triển được công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ mà còn làm gia tăng thâm hụt thương mại”- Ông Akito Tachibana cảnh báo.

Đại diện TMV cũng “khuyến nghị” nên chọn xe 6 – 9 chỗ là dòng xe chiến lược cho thị trường Việt Nam với lý do phù hợp với gia đình Việt Nam và ít bị cạnh tranh hơn so với xe 1 – 5 chỗ. TMV cũng cho rằng dựa trên những nghiên cứu chính sách và thị trường, công ty đã xác định dòng xe chiến lược của mình là Innova (thuộc dòng xe 6 -9 chỗ) và là dòng xe bán chạy nhất (15.000 xe/năm).

Tuy nhiên TMV cho rằng những thay đổi về thuế trước bạ và mới đây là thuế tiêu thụ đặc biệt, chính sách ưu đãi dành cho dòng xe 6 – 9 chỗ đã không còn nữa và hệ quả là doanh số bán của dòng xe này bị sụt giảm nghiêm trọng, các kế hoạch đầu tư nâng cao tỉ lệ nội địa hóa cũng buộc phải hoãn lại.

Không giảm thuế, không ảnh hưởng đến hoạt động của DN

Số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) năm 2007 thì loại xe chịu thuế suất tăng so với mức hiện hành là loại xe có dung tích trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 chỉ chiếm khoảng 19% số xe chịu thuế TTĐB. Loại xe trên 3.000 cm3 chủ yếu là xe nhập khẩu, xe trong nước sản xuất chiếm chưa đến 1% số xe chịu thuế TTĐB.

Về kiến nghị của Toyota Việt Nam, ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết trước ngày 1/1/2009 thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) áp dụng với ô tô được phân biệt theo số chỗ ngồi. Cụ thể xe 5 chỗ ngồi trở xuống áp thuế 50%, từ 6 đến 15 chỗ là 30% và 15% đối với xe từ 15 đến 24 chỗ. Khi xây dựng luật thuế TTĐB sửa đổi, qua tổng hợp kinh nghiệm quốc tế cho thấy thuế TTĐB còn được quy định: Dung tích xi lanh càng lớn thì thuế càng cao.

“Quy định này phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB là điều tiết tiêu dùng và góp phần tiết kiệm nhiên liệu. Ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Philippine các loại xe dưới 10 chỗ ngồi đều ở cùng một nhóm và chịu cùng mức thuế”- ông Trường cho biết.

Theo đại diện Bộ Tài chính, việc phân biệt xe ô tô có phân khối nhỏ chịu thuế suất thấp hơn xe có phân khối lớn là nhằm đảm bảo tính công bằng đối với người tiêu dùng, khuyến khích tiết kiệm năng lượng trong tình hình khó khăn hiện nay. Nếu giữ cách phân loại xe như trước ngày 1/1/2009 thì sẽ dẫn đến tình trạng xe phân khối nhỏ chịu thuế cao.

Một khía cạnh nữa cũng được Bộ Tài chính nêu ra để bác việc xin giảm thuế của TMV là việc tăng thuế đối với dòng xe phân khối lớn không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Cũng theo Bộ Tài chính, trước tình hình suy giảm kinh tế, Chính phủ đã giảm 50% thuế giá trị gia tăng với các loại xe ô tô, giảm 30 phần trăm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV/2008 đối với các doanh nghiệp; giảm 50 phần trăm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu với hộp số, bộ ly hợp, và động cơ ô tô để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp.

Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng là doanh nghiệp thì ai cũng muốn có lợi cho mình. Do TMV đang thu lợi từ dòng xe 6 – 9 chỗ ngồi là chủ yếu nên việc họ kêu to đòi giảm thuế nhằm muốn tiếp tục hưởng lợi cũng dễ hiểu.

Việc TMV vận động và đề xuất chọn xe 6 – 9 chỗ ngồi là dòng xe chiến lược cho thị trường Việt Nam mà không hề nhắc đến việc các loại xe này có phù hợp với các đô thị cũng như tình hình giao thông của Việt Nam hiện tại và trong tương lai hay không cũng có thể cho thấy được ý định đó.

“Chính phủ đã hỗ trợ nhiều trong thời gian dài đối với ngành công nghiệp ô tô. Vấn đề hiện nay là bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài thì cũng làm sao phải xây dựng được các nhà sản xuất ô tô trong nước đủ sức cạnh tranh trên thị trường và tạo ra các dòng xe riêng như cách làm hiện nay của một số doanh nghiệp nội như Vinaxuki, Trường Hải”-  Vị chuyên gia này nói.

Phạm Tuyên

Nguồn: Báo Tiền phong điện tử