Doanh nghiệp thắc mắc về thuế xuất khẩu vàng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Công văn 184/2010/BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2011, thuế xuất khẩu vàng sẽ là 10% đối với các loại vàng nguyên liệu, vàng trang sức có hàm lượng cao, vàng miếng, vàng thỏi, vàng bột có hàm lượng dưới 99,99%, thay cho mức 0% trước đó.

“Mức thuế trên tương đương mức thuế xuất khẩu của một vài kim loại hiếm khác”, đại diện Bộ Tài chính giải thích về đề xuất tăng thuế của bộ này và cho biết thêm, trước đó, vào ngày 9/11, khi giá vàng trong nước đạt mức kỷ lục 38,5 triệu đồng/lượng, mức thuế được đề xuất là 20%.

“Khi khung thuế xuất khẩu mới có hiệu lực, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có khung thuế áp dụng đối với lĩnh vực khoáng sản cao nhất thế giới. Với tình trạng hiện nay, tôi e rằng, khó có nhà đầu tư quốc tế nào cam kết đầu tư vào Việt Nam, nếu phải cân nhắc tới mức thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu cao như vậy”, ông James Hamilton, Phó chủ tịch phụ trách Quan hệ đối ngoại và đầu tư của Công ty Olympus Pacific Minerals Inc (OYM – Canada, doanh nghiệp nước ngoài duy nhất đang đầu tư hơn 80 triệu USD vào khai thác 2 mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn tại tỉnh Quảng Nam) cho biết.

Được biết, OYM đang phải chịu mức thuế tài nguyên tương ứng với 15%, việc phải chịu thêm 10% thuế xuất khẩu vàng khiến doanh nghiệp này bị đánh thuế hai lần. “Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ duy trì mức thuế xuất 0% đối với mặt hàng vàng chưa thành phẩm, hoặc chấp thuận miễn giảm hoàn toàn mức thuế mới”, đại diện của OYM nói thêm.

Đại diện một công ty kinh doanh vàng bạc cho biết, lâu nay, mỗi khi giá vàng trong nước thấp hơn thế giới, nhiều doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu kiếm lời. Đến lúc giá sốt, họ lại viện cớ khan hiếm để đẩy giá niêm yết hơn nhiều lần so với quốc tế. Động thái nêu trên của Bộ Tài chính được lý giải là để kiểm soát thị trường vàng, giảm tình trạng khan hiếm, đồng thời ngăn chặn tình trạng lách luật để xuất khẩu vàng miếng 99,99.

Hiện nay, việc xuất khẩu vàng miếng 99,99 phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều đơn vị không được phép xuất khẩu đã tìm cách lách luật bằng cách biến vàng 99,99 thành vàng trang sức, do loại này không gặp phải rào cản xuất khẩu khi đi qua cửa khẩu hải quan

Ông Hamilton cho biết, chính việc xuất khẩu một khối lượng lớn vàng trang sức và vàng thành phẩm, chứ không phải vàng thô, mới làm giảm lượng cung và đẩy nhu cầu vàng của thị trường nội địa lên cao. Tuy vậy, thông tư mới của Bộ Tài chính lại không quy định áp thuế xuất khẩu mới đối với loại vàng thành phẩm này. Chính vì vậy, mức thuế suất thuế xuất khẩu mới sẽ không thể điều tiết nhu cầu về mặt hàng vàng hay giảm thiểu tình trạng đầu cơ vàng tại Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Hạch, Chánh văn phòng Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, việc đánh thuế xuất khẩu cao có thể gây ra việc xuất khẩu lậu, khiến cơ quan địa phương khó quản lý và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. “Việc đánh thuế nhằm hạn chế xuất khẩu cũng có thể tiếp tục kìm hãm lượng vàng trong nước ra bên ngoài, càng làm tăng giá vàng, giảm nguồn thu ngoại tệ vốn rất cần cho ngân sách nhà nước”, ông Hạch nói thêm.

Thêm vào đó, ông Nguyễn Xuân Tường, Tổng giám đốc Công ty Vàng Phước Sơn cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia vẫn sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh các hoạt động khai thác khoáng sản, song họ thường công bố trước một lộ trình điều chỉnh từng bước kéo dài từ 2 đến 5 năm, vì đặc điểm của ngành khai khoáng là độ rủi ro cao và thời gian thu hồi vốn kéo dài hơn so với mọi ngành công nghiệp khác.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử