Doanh nghiệp thời ngân hàng không “thích” cho vay
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, trong ba tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ngân hàng chỉ chiếm khoảng 23%, chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.
77% còn lại, hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay ngân hàng bởi nhiều lý do, trong đó có lý do ngân hàng không “thích” cho doanh nghiệp vay!
Tình trạng trên không được giới kinh tế nhận định chỉ diễn ra tại TPHCM mà đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trên cả nước, không loại trừ Hà Nội, Hải Phòng,…
Thực tế này không khỏi khiến nhiều người giật mình vì trước đây, trong thời kì “đua” tăng trưởng tín dụng (2008-2010), các ngân hàng coi khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ là “thượng đế” và tìm mọi biện pháp giải ngân vốn vay. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, các ngân hàng lại “thích” cho nhau vay hơn là cho doanh nghiệp vay vì khả năng thu hồi vốn cao hơn. 
Trong khi đó, nghịch lý là một khối lượng tín dụng không nhỏ (khoảng 130.000 tỷ đồng) đang trong tình trạng “dư thừa”. Trước đó, các ngân hàng cũng đã rót tới 45.000 tỷ đồng vào tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong khoảng 1 tháng trở lại đây. 
Giới ngân hàng từng lên tiếng phân bua rằng không phải “không thích” cho vay mà là “không dám” cho vay vì nguy cơ mất vốn là rất cao vì rủi ro cho vay ở hầu hết các ngành nghề đều tăng cao hơn so với giai đoạn trước đây. 
Trong khi ngân hàng “không dám” cho vay thì nhiều doanh nghiệp cũng “không dám” đi vay với mức lãi suất đi có thể gấp đôi so với trần lãi suất huy động hiện hành (12%/năm) vì lo lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng. 
Như vậy, dù thực tế 2/3 số doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay là “lỗi” của ngân hàng hay của doanh nghiệp thì việc dòng vốn chỉ “loanh quanh” trong hệ thống ngân hàng, về lâu dài sẽ khiến thị trường tiền tệ trở nên méo mó và dồn không ít các doanh nghiệp đến bên bờ vực thẳm.
Tới thời điểm này, số lượng các doanh nghiệp thực sự giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2011 là 80.000 hay 200.000 vẫn là vấn đề đang tranh cãi. Con số 12.000 doanh nghiệp lâm vào tình trạng tương tự như vậy trong 3 tháng đầu năm nay cũng bị coi là thiếu sát thực. Tuy nhiên, dù số lượng doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động là bao nhiêu thì điều đấy cũng rất đáng lo ngại vì doanh nghiệp phá sản sẽ khiến tình trạng lao động thất nghiệp trở nên nghiêm trọng hơn, gia tăng áp lực đối với xã hội, khiến kinh tế vốn khó khăn càng trở nên khó khăn hơn. 
Đỗ Hà
Nguồn:  Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu