Doanh nghiệp thép việt đồng loạt“kêu cứu”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Họ cho rằng nếu không có sự can thiệp kịp thời, các doanh nghiệp ngành thép sẽ lâm vào nguy cơ dừng sản xuất.

Theo công văn của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) do Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa ký gửi Thủ tướng ngày 24/2/2016 thì chỉ tính riêng trong năm 2015, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam đã lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng hơn 300% so với năm 2014, tức là trung bình mỗi tháng lượng phôi thép nhập về là 150 ngàn tấn.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong tháng 12/2015, lượng phôi thép nhập về đã là 317 ngàn tấn và tháng 1 đầu năm 2016 con số này đã vọt lên gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức kỷ lục là 340 ngàn tấn. Đây là mức nhập khẩu phôi thép cao nhất từ trước tới nay.

Tổng Công ty Thép cũng cho biết: mặc dù các đơn vị sản xuất thép trong nước đã gửi hồ sơ yêu cầu đề nghị xem xét áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với mặt hàng phôi thép, thép dài nhập khẩu vào Việt Nam và Bộ Công Thương đã ra quyết định điều tra nhưng tình trạng nhập khẩu phôi thép ồ ạt vào Việt Nam vẫn không có dấu hiệu chững lại mà còn tiếp tục gia tăng.

“Nếu tốc độ nhập khẩu phôi thép tiếp tục duy trì như hiện nay thì các đơn vị sản xuất phôi thép trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ phải dừng sản xuất và phá sản, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy khác” – Công văn của VnSteel nhấn mạnh.

Cũng với nội dung tương tự, Công văn kiến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam do Chủ tịch Hồ Nghĩa Dũng ký lại cho biết: Không chỉ nhập khẩu ồ ạt mà giá bình quân nhập khẩu còn liên tục giảm mạnh từ mức 451 USD/tấn (tháng 1/2015) xuống mức 269 USD/tấn (tháng 1/2016), thấp hơn nhiều so với giá bán trong nước (khoảng 7,5 triệu đồng/tấn, tương đương với 330 USD) nên không thể cạnh tranh được với phôi thép nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp nội bị thu hẹp thị phần, chỉ vận hành khoảng 50% công suất. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra thì khả năng các nhà máy của Việt Nam đóng cửa là điều khó tránh khỏi.

Một “ông lớn” sản xuất thép trong nước là Công ty Cổ Phần Thép Hòa Phát cũng “cầu cứu” tới Thủ tướng. Công văn của Doanh nghiệp này khẳng định: Nếu phôi thép tiếp tục được nhập với tốc độ này thì trong năm 2016 lượng phôi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ đạt con số 4 triệu tấn, tương đương với 70% lượng phôi trong nước sản xuất. Với lượng phôi thép nhập khẩu quá lớn như vậy, ngành sản xuất thép của Việt Nam chắc chắn không thể trụ vững và gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp này còn cho rằng nếu cứ kéo dài tình trạng này, ngành thép Việt Nam sẽ có nguy cơ quay trở lại 10 năm trước, tức là phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn phôi thép nhập khẩu, trái với chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số 55/2007/QĐ – TTg coi ngành sản xuất phôi thép là ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành công nghiệp thép Việt Nam, đến đời sống của hàng chục vạn cán bộ công nhân viên ngành thép và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Các  đơn vị liên quan đến sản xuất thép trong nước đồng loạt khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát lượng phôi thép nhập khẩu. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Khoa học Công nghệ sớm ban hành tiêu chuẩn về phôi thép để các cơ quan Nhà nước có căn cứ kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép từ nước ngoài, kiến nghị Tổng cục hải quan giám sát chặt chẽ việc kê khai mã HS của phôi thép nhập khẩu tránh việc gian lận thương mại, tạo điều kiện để ngành thép trong nước duy trì ổn định phát triển, đảm bảo việc làm và đời sồng của người lao động.

Tiến Dũng
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp