Doanh nghiệp thủy sản trước thách thức “danh sách đỏ”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Võ Thành Thông

Phó tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF)

Hoạt động sản xuất – kinh doanh của AGF chủ yếu phục vụ xuất khẩu, chỉ phần ít dành cho thị trường nội địa. Các hợp đồng xuất khẩu mà AGF ký với các đối tác là bên nhập khẩu phải chịu các phí liên quan đến thuế, nên việc Bộ Thương mại Mỹ tăng thuế chống bán phá giá cá tra cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Công ty. Ngoài hoạt động kinh doanh chính, trong năm vừa qua, AGF có tham gia đầu tư chứng khoán và đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 12 tỷ đồng. Do vậy, nếu tình hình thị trường khả quan thì năm nay Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 80 tỷ đồng.

Còn việc WWF vừa xếp cá tra, tôm… vào “danh sách đỏ”, trên thực tế đây đang là mối tranh cãi, ngay lập tức chưa thể hình dung tác động đến các DN ngành thủy sản ra sao. Do vậy, cần tăng cường hoạt động của VASEP và các chi nhánh cấp tỉnh để hỗ trợ giảm thiểu tiêu cực đối với các đơn vị xuất khẩu, tránh làm tổn hại lợi ích tất cả các bên, cũng như tổn hại cho ngành thủy sản và nền kinh tế.

Bà Đào Thị Bích Hằng

Thành viên HĐQT, phụ trách công bố thông tin CTCP Thủy sản số 4 (TS4)

Việc WWF đưa cá tra vào “danh sách đỏ” trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng trước mắt chưa có ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của Công ty, do đây chỉ là tài liệu khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm khác thay thế sản phẩm này. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu không làm đến nơi đến chốn thì việc đưa cá tra vào “danh sách đỏ” sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của TS4, do châu Âu là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Công ty. Tính đến hết tháng 10, TS4 đạt lợi nhuận trước thuế 33,6 tỷ đồng. Dự kiến, đến hết năm 2010, Công ty sẽ đạt khoảng 35 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Ông Nguyễn Duy Nhứt

Phó tổng giám đốc CTCP Nam Việt (ANV)

Tôi cho rằng, thông tin đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiêu thụ cá tra tại châu Âu. Không phải vì có thông tin đó mà người tiêu dùng châu Âu sẽ không ăn cá tra. Với ANV, thị trường châu Âu chiếm khoảng 12% trong tổng doanh thu. Hiện nay, hầu như các vùng nuôi của Công ty đều đạt chứng chỉ Global Gap, ngoài ra còn có các chứng chỉ về môi trường, an toàn thực phẩm khác. Nuôi trồng và chế biến cá tra tại Việt Nam, theo đánh giá của chúng tôi, còn chặt chẽ hơn ở Mỹ.

Hiện tại, đơn hàng ký cho năm 2011, ANV cũng không dám ký nhiều, vì thiếu nguyên liệu chế biến. Trong khoảng thời gian 3 năm nay, người nuôi cá tra ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lỗ nặng, nên đã treo hầm, dẫn đến nguồn cung có khả năng khan hiếm. Giá nguyên liệu cá tra trước kia 17.000 đồng/kg, nay tăng lên 22.000 – 23.000 đồng/kg. Giá cá tra xuất khẩu cũng tăng, trước có 2,3 USD/kg, nay lên 2,8 – 2,9 USD/kg.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP

“VASEP sẽ đối thoại đến cùng để bảo vệ quyền lợi của các DN thủy sản Việt Nam”

Đánh giá không đúng đắn, thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp thực tế của một số tổ chức WWF châu Âu có thể gây ra thiệt hại cho lớn cho cả DN sản xuất tại Việt Nam lẫn người tiêu dùng châu Âu. 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 538.201 tấn sản phẩm cá tra, giá trị 1,151 tỷ USD, cho 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các châu lục. Trong đó, EU tiêu thụ 184.360 tấn, trị giá 423 triệu USD, chiếm 36,8% giá trị xuất khẩu.

Một số DN có doanh số xuất khẩu lớn trong 10 tháng đầu năm như Vĩnh Hoàn 101,313 triệu USD, Agifish 48,192 triệu USD, Hùng Vương 79,705 triệu USD, Navico 48,203 triệu USD, Bianfishco hơn 36 triệu USD.

Tôi cho rằng, việc đưa sản phẩm cá tra của Việt Nam chuyển từ “danh sách da cam” (sản phẩm có thể cân nhắc sử dụng) sang “danh sách đỏ” (sản phẩm không nên sử dụng) trong các bản hướng dẫn người tiêu dùng năm 2010 – 2011 ở 6 nước EU (Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch) làm thiệt hại cho các DN sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là khuyến cáo của WWF. Nếu các DN sản xuất và xuất khẩu cá tra của Việt Nam làm tốt công tác thị trường, chứng minh được sản phẩm đảm bảo chất lượng, không tác động môi trường, tạo niềm tin cho khách hàng châu Âu, thì hoạt động sản xuất và xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường.

Có một thông tin tích cực là sau khi thông tin nêu trên của WWF tại 6 nước EU được công bố, Tập đoàn Findus và Tập đoàn Birds Eye Iglo – hai tập đoàn lớn trong khu vực này chuyên nhập khẩu cá tra của Việt Nam đã có phản ứng tức thời và gay gắt, cho thấy sản phẩm cá tra của Việt Nam có uy tín và thương hiệu với bạn hàng.

VASEP kịch liệt phản đối đánh giá của WWF và sẽ có những giải pháp để bảo vệ quyền lợi của các DN thủy sản Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp thông tin, đối thoại đến cùng để tạo điều kiện cho các chuyên gia của WWF nghiên cứu thực trạng chất lượng cá tra tại Việt Nam. Thực tế, nghề cá tra tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn trái ngược với những đánh giá lạc hậu, sai lệch, không khách quan mà một số đối thủ cạnh tranh quốc tế đang rêu rao về Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, nếu được sự cộng tác của các chuyên gia WWF, cá tra Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện đưa vào “danh sách xanh” trong cẩm nang khuyến cáo người tiêu dùng toàn cầu của tổ chức này.

(Nguồn: ĐTCK)