Doanh nghiệp tìm cách sống chung với bão giá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVX) ngày 28/2 đã ký hợp đồng tổng thầu EPC (chìa khóa trao tay) xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Hợp đồng gồm thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hóa, thiết bị vật tư, xây lắp, chạy thử, nghiệm thu, đào tạo, bàn giao vận hành và thu xếp vốn. Giá trị hợp đồng là 1,2 tỷ USD, được chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và nhà thầu cùng tiến hành thu xếp vốn từ vốn vay tín dụng xuất khẩu, vốn vay thương mại và vốn tự có của chủ đầu tư.

Một lãnh đạo của PVX cho biết, tuy cùng là các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), song trước khi ký hợp đồng này, Tổng công ty vẫn phải tính toán rất kỹ bài toán tỷ giá, tính sát giá trị từng hạng mục trong hợp đồng EPC. Hợp đồng có điều khoản về hệ số trượt giá, nhưng tính toán kỹ đến bao nhiêu đều khó có thể chuẩn xác trong thời điểm này. Bộ phận chức năng của PVX đang phải rà soát, tính toán kỹ để có phương án đối phó với tình hình mới. Trong bối cảnh hiện nay, Tổng công ty chủ trương đẩy mạnh công tác thu hồi vốn và khối lượng dở dang các công trình, tăng cường công tác hạch toán kinh doanh, xây dựng và ban hành các định mức đơn giá nội bộ nhằm quản lý chặt chẽ chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh.

Bên cạnh việc bám sát kế hoạch sản xuất – kinh doanh, kế hoạch đầu tư của PVN và các đơn vị trực thuộc, chủ động giữ thị trường hiện có, PVX tăng cường tiếp thị đấu thầu để phát triển thị trường đối với những dịch vụ đã có, mở rộng thị trường lĩnh vực dịch vụ mới. PVX đã triển khai và kiểm soát chặt chẽ quy chế giao việc nội bộ; các đơn vị phải đảm bảo đủ năng lực, điều kiện, biện pháp thi công, nhân lực, quản lý, tài chính mới được giao việc.

Không mở rộng đầu tư, tập trung cho những dự án đã triển khai để tránh lãng phí, nhanh chóng tạo ra lợi nhuận thực là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp tư nhân lớn cho hay, nếu theo tín hiệu và thông điệp điều hành vĩ mô hiện nay thì nên co cụm lại. “Chỉ có thể đầu tư thận trọng, chờ đợi xem diễn biến cụ thể. Giới doanh nghiệp tin những chính sách hiện tại mang tính đối phó là chủ yếu”, doanh nhân này nói.

Khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước đang đối diện xuất phát từ yếu tố nội tại, khác với bối cảnh năm 2008, xuất phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Giá cả biến động khôn lường, một số nguyên nhiên vật liệu có nguy cơ thiếu hụt như điện, chi phí vận tải tăng vọt. Để kịp thời ứng phó với những tình huống bất lợi, doanh nghiệp cần một sự chuyển hướng mạnh mẽ và dứt khoát.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp vốn có ngành nghề cốt lõi là xây dựng chia sẻ, trước đây việc làm chủ yếu phụ thuộc vào các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm tới 80% đầu việc. Năm 2008 – 2009, khó khăn về kinh tế khiến giải ngân các dự án FDI giảm mạnh, hợp đồng nhận được chiếm trên đầu ngón tay. Nếu không mạnh dạn chuyển đổi, tìm hướng sang các dự án trong nước, các dự án của công ty mẹ và các công ty thành viên trong tập đoàn, doanh nghiệp đã không thể tồn tại như ngày hôm nay. Cái khó của những người đi tiên phong đôi khi lại dựa vào độ nhạy bén kinh doanh rất lớn của lãnh đạo doanh nghiệp, chứ không đơn thuần ở những con số tính toán chi li. “Tính toán thật kỹ và không dám mạo hiểm lại chưa hẳn đã thành công. Tôi đã bỏ qua 3 – 4 dự án sau khi tính đi tính lại và sau này đều thấy hối tiếc”, vị tổng giám đốc này nói.

Quay nhanh vốn lưu động là giải pháp nhiều doanh nghiệp thương mại lựa chọn. Một công ty chuyên về xuất khẩu hàng nông sản mới đây đã mở rộng xuất khẩu sang mặt hàng sắn lát, thay vì tập trung cho xuất khẩu gạo như trước kia. Cạnh tranh trong xuất khẩu gạo khiến doanh nghiệp phải đưa điều kiện ưu đãi thanh toán trả chậm cho đối tác quen khiến đọng vốn, mỗi năm xuất khẩu được 3 lần. Mặt hàng sắn lát có nguyên liệu dồi dào, dễ thu mua và sơ chế, ít cạnh tranh, tốc độ quay vòng vốn nhanh, đỡ chi phí lãi vay đang đắt đỏ.

Ứng phó với tình huống bất lợi trong nhiều trường hợp đòi hỏi doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn. Năm 2008 – 2009, CTCP Tập đoàn Minh Phú đã nhìn thấy trước bài toán thiếu nguyên liệu, xuất phát từ việc đầu tư và nuôi tôm theo phong trào của người nông dân. Công ty đã đầu tư cho vùng nguyên liệu, tạo thành quy trình khép kín từ con giống, nuôi trồng, đến chế biến xuất khẩu. Sau 2 năm xây dựng, trong năm 2011, Công ty sẽ đưa nhà máy mới Minh Phú – Hậu Giang vào hoạt động, với công suất lớn hơn công suất toàn bộ các nhà máy chế biến hiện tại cộng lại. Tầm nhìn xa đang giúp Minh Phú nâng cao cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh nhiều nhà máy chế biến tôm đang hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Traphaco (TRA)

Tình trạng tăng giá hiện nay tác động không nhỏ đến DN. TRA có nhiều đối tác trung gian như in ấn bao bì đã tăng 30%. Bên cạnh đó, ngành dược Việt Nam hiện nay phải sản xuất trong nhà máy hiện đại, đạt tiêu chuẩn của WHO, nên nhiều chi phí phát sinh như trước đây dùng 1 kW điện để chạy máy nhưng bây giờ phải dùng khoảng 5 kW cho vấn đề xử lý môi trường. Giá thành của thuốc tăng theo là điều khó tránh.

TRA đã phát động phong trào chống lãng phí và tăng cường tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro, hỏng hóc, lãng phí… Ngay cả đầu vào cũng phải thêm nhiều đối tác để lựa chọn. Cán bộ – nhân viên đoàn kết, không đòi tăng lương để cùng nhau vượt qua khó khăn. Là ngành nhiều tiềm năng nên dù có nhiều khó khăn TRA vẫn phấn đấu tăng doanh thu 20%, đạt trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2010 là hơn 900 tỷ đồng.

Ông Cao Tùng Lâm, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC)

Trước những khó khăn vĩ mô hiện tại, Công ty thực hiện 5 chính sách. Thứ nhất, điều chỉnh lại các danh mục đầu tư nhằm tăng khả năng và nguồn vốn tự có của DN. Thứ hai, phấn đấu không thay đổi về chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận so với năm 2010. Thứ ba, giảm dư nợ vay hoạt động xây lắp vào cuối năm 2011 khoảng 20 – 30%, cụ thể còn khoảng 70 – 80 tỷ đồng so với hơn 100 tỷ đồng của năm 2010. Thứ tư, tiết kiệm mọi chi phí; chi phí bất biến sẽ không thay đổi, nhưng chi phí khả biến sẽ phải tiết kiệm triệt để. Thứ năm, củng cố và đẩy mạnh việc chuẩn hoá hệ thống. Trước mắt, với chi phí sinh hoạt tăng cao, Ban lãnh đạo Công ty đã có chính sách tăng lương, tăng chế độ cho người lao động. Đồng thời, thuyết phục các cổ đông lớn, cổ đông dài hạn chia sẻ với khó khăn chung.

Bà Phan Thị Nhường, Người công bố thông tin của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC)

Đây đang là thời điểm rất khó khăn đối với các DN ngành xi măng, trong đó có BCC, bởi hầu hết chi phí đầu vào tăng khá mạnh, trong khi giá xi măng không được điều chỉnh tăng tương ứng. Luôn có độ trễ trong quá trình Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam phê duyệt mức tăng giá bán xi măng cho các đơn vị thành viên.

Là DN lớn và là khách hàng thường xuyên của một số ngân hàng, nên BCC được vay vốn với lãi suất 16,5%/năm, thấp hơn từ 2 – 2,5% so với nhiều DN khác. Nhưng đây vẫn là mức lãi suất quá cao so với khả năng chịu đựng của DN. Thêm vào đó, ngành xi măng đang đối mặt với tình trạng cung vượt cầu, trong khi nỗ lực xuất khẩu xi măng vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Các DN xi măng đang phải nỗ lực cầm cự bằng cách cắt giảm tối đa chi phí sản xuất. Ngoài rà soát lại các chỉ tiêu định mức kỹ thuật trong các khâu sản xuất theo hướng căn cơ hơn, BCC còn khuyến khích các đơn vị áp dụng các biện pháp tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là điện, than.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử