Doanh nghiệp và chính sách
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vẫn thờ ơ

Mỗi năm, các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành khoảng 1.000 văn bản pháp luật, trong đó có khoảng 50% quy định trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, khoảng 20% có tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh. Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự thay đổi về chính sách có tác động lớn thứ hai đến hoạt động của các doanh nghiệp, chỉ sau sự thay đổi về tỷ giá, lạm phát và lãi suất. Nếu doanh nghiệp hiểu rõ và áp dụng tốt chính sách thì có thể thu được lợi nhuận, nhưng nếu không hiểu thì sẽ điêu đứng hoặc tệ hơn là phá sản.

Câu chuyện về trần chi phí quảng cáo là một ví dụ điển hình về việc chính sách mở đường cho doanh nghiệp. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũ khống chế mức trần cho chi phí quảng cáo tính trên phần trăm tổng chi phí. Tuy nhiên, khi mức trần này được dỡ bỏ, các doanh nghiệp quảng cáo, khuyến mãi đã có nhiều việc làm hơn. Ngược lại, Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in sau khi ban hành đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành này gặp rất nhiều khó khăn. Nghị định đã siết chặt lại điều kiện kinh doanh, vốn được bãi bỏ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005. 3.000 doanh nghiệp ngành in đang hoạt động bình thường ngay lập tức rơi vào khó khăn vì chi phí hoạt động bị đội lên.

Trong khi đó, việc cơ quan nhà nước điều chỉnh chính sách sau khi lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp không phải ít. Một trong những trường hợp đó là quy định về ký quỹ khi nhập khẩu phế liệu. Trong dự thảo lần đầu, doanh nghiệp phải ký Quỹ Bảo vệ môi trường và chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Sau khi VCCI và nhiều doanh nghiệp ngành thép và giấy kiến nghị, dự thảo đã được sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp ký quỹ vào ngân hàng thương mại với tỷ lệ thấp hơn và được hưởng lãi suất của ngân hàng. Theo ước tính, điều này đã giúp tiết kiệm đến 90% chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước.

Ví dụ trên cho thấy sự cần thiết cũng như vai trò của doanh nghiệp trong công tác soạn thảo chính sách. Đáng buồn là theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), chỉ có 28,2% doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách mới. Với câu hỏi có sẵn sàng tham gia phản biện, góp ý xây dựng chính sách, pháp luật không, chỉ có 28,3% doanh nghiệp trả lời có. Có nghĩa là trong cả 2 câu hỏi, có tới 70% doanh nghiệp không quan tâm đến chính sách, và không sẵn sàng tham gia xây dựng chính sách.

Liên kết để lên tiếng

Cũng theo khảo sát của AVR, hai trong số các nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít quan tâm tìm hiểu các chính sách, pháp luật nói chung và việc phản biện, góp ý, đề xuất chính sách nói riêng là vì 51% số doanh nghiệp được hỏi không biết quy trình phản biện, góp ý làm như thế nào. Điều này cũng tương thích với thông tin của Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp Dương Đăng Huệ. Ông Huệ cho biết, dù Bộ luật Dân sự đã được đăng tải trên mạng để lấy ý kiến trong 4 tháng, nhưng rất ít doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề nêu ý kiến. Song khách quan mà nói, theo chuyên gia Trần Văn Lợi (Bộ Tư pháp), ít doanh nghiệp có thời gian vào trang web của bộ, ngành để tìm dự thảo, cho ý kiến. Trong khi nếu gửi câu hỏi qua một tờ báo điện tử thì người dân và doanh nghiệp tham gia rất nhanh và rất nhiều. Một nguyên nhân khác của tình trạng thờ ơ từ phía doanh nghiệp, theo khảo sát của AVR thì vì có tới 55% doanh nghiệp không tin rằng ý kiến và phản biện của mình sẽ được cơ quan quản lý tiếp nhận. Nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại sẽ rơi vào tình cảnh “đấu tranh, tránh đâu”, sau khi lên tiếng thì bị cơ quan quản lý chú ý, bị ác cảm, bị cản trở làm ăn.

Công bằng mà nói, nhiều doanh nghiệp thường chấp nhận tất cả các quy định của pháp luật một cách thụ động mà hoàn toàn không có ý niệm về sự bất cập của nó. Trong khi chính cộng đồng doanh nghiệp luôn có kỳ vọng cao đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp phải chịu áp lực cạnh tranh lớn từ bên ngoài. Mặt khác, khảo sát của AVR cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhận thức được rằng sự thiếu hợp lý của một số chính sách là do thiếu tiếng nói phản biện từ phía người dân. Do đó, doanh nghiệp cần mạnh dạn phá vỡ thế thụ động của mình. Để tiếng nói có thêm sức nặng, cũng như tránh được việc bị “chú ý”, doanh nghiệp có thể chọn cách liên kết các bên liên quan như các doanh nghiệp khác, hiệp hội doanh nghiệp, báo chí, hay các tổ chức khác có liên quan – Trưởng Ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn gợi ý. Đó cũng là bài học cho sự thành công của lần vận động bỏ trần chi phí quảng cáo, kéo dài 6 năm với rất nhiều hiệp hội và doanh nghiệp tham gia.

 Điểm mới quan trọng của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là quy định quy trình xây dựng chính sách phải được thực hiện trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Để cụ thể hóa quy định này, hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng Nghị định hướng dẫn theo hướng quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập các Hội đồng tư vấn thẩm định để xem xét, cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định. Quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định được quy định chặt chẽ và bảo đảm thu hút sự tham gia của các đối tượng khác nhau trong xã hội, công chúng và đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của các chủ thể đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Băng Tâm
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân