Doanh nghiệp Việt Nam vẫn “bối rối” về quản trị
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sau hơn 2 thập kỷ đổi mới, Việt Nam không có học thuyết riêng về nền quản trị doanh nghiệp. Các trường Quản trị kinh doanh mọc lên khắp nơi, cóp nhặt rất nhiều các học thuyết khác nhau từ nhiều khu vực trên thế giới, tùy thuộc giảng viên học được từ đâu.

Điều này dẫn đến hệ quả là doanh nghiệp Việt Nam mặc dù lớn mạnh không ngừng nhưng vẫn tỏ ra bối rối về hướng đi tương lai. Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có sáng tạo như người Nhật, mạnh dạn như người Hàn, hay khát khao thống lĩnh hàng hóa của thế giới như người Hoa hay không?

Các nhà kinh doanh của Việt Nam lúc đầu ngỡ ngàng trước sự sáng tạo, táo bạo của các hãng tên tuổi nước ngoài vào đầu tư, giờ đây đã chủ động hơn trong quá trình khẳng định vị trí của mình trên thương trường.

Một số hiện tượng ghi nhận gần đây trong sự phát triển một số ngành công nghiệp của Việt Nam đã bắt đầu được các chương trình đào tạo quản trị kinh doanh chú ý tới.

Chắc hẳn mọi người còn nhớ cách đây vài năm một loại trà thảo mộc ra đời với chiêu quảng cáo gây tranh cãi về tác dụng “thanh lọc cơ thể” liên quan đến sức khỏe khiến Quốc hội phải đem ra bàn thảo ở nghị trường. Với phong cách truyền thông một cách chuyên nghiệp, đầu năm 2011 xe ôtô Trường Hải đã tranh thủ lúc Toyota gặp đầy rẫy các khó khăn toàn cầu và tại Việt Nam đã vươn lên để khẳng định đã trở thành nhà sản xuất xe số một Việt Nam, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa hay giá trị gia tăng nội địa vẫn còn một quãng thời gian dài để theo đuổi.

Trong khi đó, một thương hiệu hàng tiêu dùng là Kangaroo đã làm người yêu bóng đá tỏ ra khó chịu khi thông điệp ngắn gọn Kangaroo, Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam được nhắc đến mấy chục lần một cách khô khan, với giọng đọc của Long Vũ trong khi dân ghiền bóng đá đêm đang chăm chú đợi hết giờ nghỉ giữa hai hiệp đấu Cúp C1 hồi cuối tháng 5.

Cảm xúc của người xem bóng đá đêm hôm đó đã chuyển thành hàng trăm, hàng ngàn các trang youtube, facebook, twitter khiến cộng đồng truyền thông giấy, điện tử khó có thể đứng ngoài mà không tranh thủ mô tả cảm xúc của công chúng. Giới trẻ, những người tiêu dùng được quan tâm nhất hiện nay thích thú chia sẻ những clip nhại hay pha chế thông điệp được nhắc đến nhiều lần của Kangaroo khiến dư âm trận đấu bóng quan trọng nhất của các cup châu Âu cũng bị lu mờ.

Kết quả là Kangaroo đã được Tổ chức “Kỷ lục Việt nam” vừa qua xác nhận là đơn vị có số lần quảng cáo truyền hình nhiều nhất trong một thời gian ngắn nhất. Điều này có ý nghĩa gì? Đây là một vấn đề mà các trường Quản trị kinh doanh thường đưa ra cho sinh viên trong các điển cứu (case study) một cách sôi nổi.

Vấn đề là mặc dù dân ghiền bóng đá khó chịu nhưng người quyết định mua sản phẩm của Kangaroo lại là những người nội trợ, những người chăm lo đến gia đình, những người quan tâm đến quà tặng bạn bè… chỉ chứng kiến sự phát tán một cách khôi hài của các clip hậu bóng đá.

Họ sẽ không bị ám ảnh bởi sự khó chịu giữa giờ xem bóng đá, họ chỉ hiểu là nếu quan tâm đến máy lọc nước, thì có lẽ chỉ có Kangaroo, một sản phẩm được quảng cáo nhiều và mạnh mẽ như thế chắc phải là sản phẩm hàng đầu Việt nam rồi.

Thành công của Kangaroo đúng nghĩa là tạo được tiếng vang, khiến nó trở thành thương hiệu được nhiều người Việt Nam biết đến nhất trong thời gian ngắn nhất. Sự độc đáo của thành công này là ở chỗ, ai theo sau, học bài của Kangaroo có thể sẽ bị người tiêu dùng tắt TV và thôi không bị rơi vào cái bẫy trào lưu xã hội hay vòng xoáy bàn tán như thế nữa.

Sau thời gian ấy, khi các bàn tán về trận đấu bóng C1 và quảng cáo tức cười qua rồi, hàng hóa của Kangaroo chưa bao giờ lại được bán ra nhộn nhịp đến thế. Sản phẩm máy lọc nước R.O của Kangaroo thực tế đang chứng minh.

Theo SGTT