Doanh nghiệp xuất khẩu lao động “điêu đứng”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 9/3/2011, toàn bộ lao động Việt Nam ở Lybia đã về nước an toàn. Những khó khăn của người lao động không ngừng được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm giúp đỡ. Trong đó, “bài toán” khó nhất là công việc “hậu Lybia” cũng đã có lời giải. Nhiều tập đoàn trong nước tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận tất cả những lao động này. Thậm chí, tập đoàn Khang Thông không những tiếp nhận mà còn hứa sẽ đứng ra bảo lãnh tiền vay ngân hàng đối với chi phí cho việc đi lao động nước ngoài. Như vậy, người lao động đã có thể tạm yên tâm.

Nhưng trong lúc này, nhiều doanh nghiệp XKLĐ đang loay hoay tìm hướng đi cho mình sau vụ Lybia.

Mất thị trường “vàng”

Trước khủng hoảng chính trị, Lybia là thị trường lao động rất lý tưởng. Nhiều doanh nghiệp chọn đây là địa bàn trọng điểm để xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, thiệt hại lớn nhất của các doanh nghiệp lần này chính là mất đi một thị trường tiềm năng.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Quang Đạt- Gám đốc Công ty CP cung ứng nhân lực Việt Nhật- chia sẻ: “Khi thấy công việc, lương, điều kiện ăn ở cho công nhân tại Lybia rất tốt, công ty tôi đã “chủ quan” chọn luôn nước này làm “địa chỉ vàng” để hoạt động. Ngay trước khủng hoảng, chúng tôi cũng đã hoàn thành xin visa cho gần 700 lao động chuẩn bị sang đấy. Hiện nay, chúng tôi chỉ xuất khẩu lao động đi hai nước là Lybia và Nhật Bản.”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Vạn Xuân- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Thắng- khẳng định: “Hiện Lybia cũng là nơi tiếp nhận phần lớn lao động của công ty”.

Về phía đối tác Lybia, ông Đạt cho biết thêm, nhiều chủ doanh nghiệp đã liên lạc và thông báo sẵn sàng tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam khi tình hình chính trị ổn định. Nhưng có lẽ, phải rất lâu nữa người lao động mới có thể đủ “dũng cảm” đi làm tiếp tại đất nước này.

Mất đi thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp bắt buộc phải tìm kiếm thị trường khác. Tuy nhiên, không đơn giản để có thể tìm ngay lập tức một thị trường mới. Bởi theo lời ông Xuân, doanh nghiệp đang phải “gồng mình” để giải quyết cho người lao động nên tài chính không cho phép đi khai thác thị trường mới, nhất là các doanh nghiệp có vốn nhỏ. Thêm vào đó, những khó khăn về pháp lý tại thị trường mới cũng là một trở ngại. Chính vì vậy, lãnh đạo các doanh nghiệp này mong được Nhà nước đi trước “thông thị trường” giúp doanh nghiệp.

Dồn tài chính để hỗ trợ người lao động

Theo ông Đạt, Việt Nhật là một trong số nhiều công ty cho người lao động nợ tiền phí xuất cảnh trước khi sang Libya làm việc rồi trừ dần vào lương. Đối với lao động mới sang thì khó có thể trả được khoản nợ này. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải tự chịu khoản “lỗ” ấy.

Thêm vào đó, tiền chi phí quản lý tại Lybia, hầu như công ty XKLĐ đã thanh toán hết, giờ không thể đòi lại được. Cộng thêm chi phí hỗ trợ cho hàng nghìn người lao động, các doanh nghiệp XKLĐ đang thực sự gặp khó khăn lớn về tài chính. Họ cũng rất mong đợi được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Đại diện các doanh nghiệp đều khẳng định sẽ có trách nhiệm đối với người lao động mặc dù tổn thất khá lớn về mặt tài chính, như sẽ những hỗ trợ cho các lao động gặp nhiều khó khăn. Theo sự chỉ đạo của Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội, doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có trách nhiệm thanh lý hợp đồng cho người lao động trong thời gian ngắn nhất. Nhưng đáng lo ngại là nếu doanh nghiệp đưa ra phương pháp giải quyết không thỏa đáng sẽ phát sinh ra nhiều mâu thuẫn, thậm chí là mâu thuẫn về khoản hỗ trợ giữa chính những người lao động có thời gian làm việc khác nhau. Chính vì vậy, doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi phương án từ Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- thương binh- xã hội, cho biết: “Hiện chúng tôi đã lập xong phương án, đang chờ chỉ đạo. Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết nhanh nhất”.

Thu Phương – Phượng Nguyễn
Nguồn: Báo điện tử Công thương