Doanh nghiệp xuất khẩu: Nỗ lực tìm thị trường mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngay trong những tháng đầu năm 2014, Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) đã xuất 14 tấn nhân điều trị giá 115 ngàn USD sang thị trường Trung Đông. Ông Nguyễn Thái Học- Tổng giám đốc Donafoods- cho biết: Trung Đông là thị trường mới mà Donafoods vừa mở được sau chuyến xúc tiến thương mại cuối năm 2013 và đây cũng là thị trường chủ lực của công ty trong năm 2014. Không chỉ có Donafoods đánh giá cao tiềm năng của thị trường này, mà nhiều DN xuất khẩu cà phê, tiêu, may mặc, giày dép cũng đã tiếp cận với người tiêu dùng vùng Trung Đông.

Ông Nguyễn Hữu Hiểu, đại diện Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai- Dofico, cho biết: Tại cuộc xúc tiến thương mại của tỉnh Đồng Nai tại Dubai vừa qua đã đạt được thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông sản như: xoài, chanh không hạt, dừa, bưởi, dưa hấu không hạt, mít, ớt với khoảng 20- 60 tấn/tuần.

Theo đánh giá của nhiều DN xuất khẩu một số ngành hàng, thị trường xuất khẩu trong năm 2014 có nhiều khả năng phát triển tốt hơn năm 2013. Ngoài ra, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và một số thị trường tiềm năng mới như khu vực Trung Đông, các nước châu Phi tăng mạnh trong những năm gần đây, tập trung vào các nhóm hàng như vật liệu xây dựng, giày dép, thực phẩm chế biến, sữa, gạo… vốn là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của DN Việt Nam.

Ông Phạm Thái Bình- Giám đốc Công ty TNHH Trung An (TP Cần Thơ)- cho biết, thị trường gạo cấp cao vẫn là định hướng mà công ty sẽ tiếp tục khai thác trong năm 2014. Với việc tham gia liên kết với các cánh đồng lớn ở TP. Cần Thơ và một số tỉnh lân cận, công ty đảm bảo có vùng nguyên liệu chất lượng, truy xuất tốt nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng, đặc biệt là Nhật Bản và các nước Trung Đông.

Để hỗ trợ cho các DN khai thác lợi thế từ các thị trường xuất khẩu mới, theo kế hoạch năm 2014, Đồng Nai sẽ tập trung khai thác, tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại tại các thị trường xuất khẩu mới như Chi Lê, Myanmar, các Tiểu Vương quốc Ả – Rập Thống nhất… Đồng thời tổ chức các chương trình triển khai các Hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết và chuẩn bị đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để các DN, đơn vị trên địa bàn chủ động nắm cơ hội mở rộng thị trường. 

Bên cạnh đó, ngành Công Thương nhiều tỉnh thành cũng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu là sản phẩm thô, sơ chế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin Thương mại, Bộ Công Thương để cập nhật, phổ biến kịp thời đến DN xuất khẩu các thông tin về thị trường, mặt hàng, nhất là những thị trường và mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Về lâu dài ưu tiên thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thương mại, hệ thống kho bãi phục vụ xuất nhập khẩu.

Ngân hàng HSBC dự báo những điểm sáng chính yếu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 sẽ vẫn là các DN chuyên xuất khẩu. Với các điều kiện toàn cầu đang được cải thiện và những hiệp định thương mại đang trong quá trình đàm phán, các công ty chuyên xuất khẩu sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh nữa.

Ngọc Thảo
Nguồn: Báo Công thương