Doanh nhân quan ngại kinh tế vĩ mô bất ổn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Vương cho biết, doanh nghiệp đang hết sức quan ngại khi lạm phát tăng cao, dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt, trong khi thâm hụt ngân sách, nhập siêu vẫn tiếp diễn.
Quan trọng hơn,người dân, người lao động, người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang cảm thấy mất lòng tin vào đồng nội tệ, vào chính sách quản lý tiền tệ, ngoại hối, tài chính, ngân hàng hiện nay.

“Tăng trưởng có thể vẫn có (trên 6%) do nhu cầu vẫn đang bùng nổ, nhưng đầu tư trung và dài hạn cho sản xuất, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực thì bị chững lại trông thấy. Tình trạng đời sống người lao động khó khăn, mất an ninh xã hội, tội ác đang gia tăng trở lại. Năng suất và sản lượng không có biện pháp vĩ mô hỗ trợ để cải thiện, đó là những yếu tố khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế đang giảm sút. Đồng tiền đã bị phá giá so với USD nhưng tăng trưởng xuất khẩu không đáng kể bởi nhiều yếu tố đầu vào như xăng, dầu, điện, nhân công, thực phẩm đã tăng quá mức”, ông Vương nhận định.

Trong khi đó, nhiều DN trong nước đang muốn bắt tay để thu hút vốn từ bên ngoài nhưng hiện tại thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các Doanh nghiệp trong nước không thể thực hiện một cách triệt để và nhất quán trong phạm vi toàn quốc bởi sự không rõ ràng, chi tiết và chồng chéo của các quy định. “ Doanh nhân chúng tôi cho rằng cần thiết phải nghiên cứu để hoàn thiện một trong các văn bản hiện hành, có thể là NĐ-102 hoặc NĐ-108 mới, để đảm bảo tính thực thi”, ông Vương nói.

Theo chia sẻ của vị doanh nhân này thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ(SME), đối tượng chính giải quyết việc làm và là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua đã, đang và sẽ bị chèn lấn và khó tiếp cận vốn hơn nên có thể phải thu hẹp sản xuất hay chỉ cầm cự cho qua ngày. Dòng vốn cần cho SXKD và SME vẫn không được nắn đúng, khu vực phi sản xuất vẫn tiếp tục lấn sân, lạm phát và lãi suất tăng cao càng lúc càng chất gánh nặng lên vai SME vốn đã hết khả năng từ 2 năm trước và gần 1 năm qua chưa lúc nào lãi suất giảm xuống như kỳ vọng trong chính sách của CP.

“Ngay sau nghị quyết 11 là quyết định 12 của Thủ tướng về hỗ trợ các SME trong ngành công nghiệp phụ trợ nhưng tất cả các nội dung đều dẫn chiếu những văn bản cũ và thật khó để quyết định 12 của CP đi vào cuộc sống của SME mặc dù các doanh nghiệp đã rất quan tâm đến quyết định này của thủ tướng và hiểu sâu sắc rằng Thủ tướng đang rất quan tâm đến mình. Rất nhiều doanh nghiệp đang tích cực xây dựng năng lực công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp năng lượng, ô tô, điện tử nhưng chưa thực sự nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích nào, do vậy số lượng và tính bền vững của lĩnh vực quan trọng này sẽ bị đe dọa”, doanh nhân Trần Anh Vương thẳng thắn bày tỏ đồng thời cho biết thêm: cộng đồng doanh nhân muốn chung tay với Chính phủ để chống lạm phát, duy trì và quyết tâm đầu tư phát triển doanh nghiệp, ổn định nguồn việc làm, bảo vệ người lao động, tham gia công tác mang tính trách nhiệm xã hội.

Tuy nhiên, Chính phủ cần trước tiên thể hiện sự gương mẫu trong việc tiết kiệm chi tiêu công, dừng ngay các hoạt động trợ giúp thiếu công bằng đối với doanh nghiệp Nhà nước, mở cơ hội cho tư nhân tiếp cận với các nguồn vốn phát triển, vốn ODA, nâng cao năng suất làm việc và tính trách nhiệm trong các cơ quan công quyền, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế.

Thanh Lương
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam