Doanh nhân trải lòng về ‘Chính phủ kiến tạo’
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám dốc Công ty Thép Việt (Pomina), mùa xuân này đối với doanh nhân là mùa xuân của hy vọng. Những thông điệp mạnh mẽ của “Chính phủ kiến tạo” đang mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc Chính phủ lắng nghe các chuyên gia phản biện là điểm tích cực để nhìn thấy vấn đề, từ đó có thể giải quyết vấn đề hiệu quả; việc Chính phủ sẵn sàng thuê tư vấn nước ngoài. Chính phủ cũng có thông điệp phát triển bền vữn, không chạy theo những lợi ích trước mắt…

Còn theo ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sơn Việt, giới doanh nhân đang rất lo ngại trước sự đổ vỡ của TPP. Tuy nhiên giai đoạn vừa qua, song song với đàm phán TPP, Chính phủ đồng thời cũng đã đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương khác nên cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất lớn.

“Điều đó cho thấy chính sách quan hệ đa phương, không phụ thuộc vào bất kỳ nước nào của Chính phủ là rất phù hợp”, ông Hà Xuân Anh nói. Các doanh nghiệp cũng phải chủ động tự lực tự cường tự vận động và luôn chuẩn bị các phương án giải pháp dự phòng, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường hay một số ít khách hàng, điều đó sẽ mang đến rủi ro cao.

Ông Hà Xuân Anh cho rằng, thông điệp “Chính phủ kiến tạo” được Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần như một trọng tâm điều hành của Chính phủ mới. Thiện chí và quyết tâm của Chính phủ là rất rõ ràng, tuy nhiên để phát huy hiệu quả thiết thực thì cần quyết tâm đồng bộ của các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương.

“Hy vọng với quyết tâm của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những bước phát triển ổn định và bền vững”, ông Hà Xuân Anh bày tỏ kỳ vọng.

Trong khi đó, ông Lê Minh Hoàng Long, Giám đốc Marketing công ty Home Marketing, giảng viên Đại học Ngân Hàng TPHCM cho rằng,  “Chính phủ kiến tạo” xuất hiện như một từ khóa quan trọng cùng “quốc gia khởi nghiệp” trong các thông điệp của Thủ tướng chính phủ năm 2016.

“Nếu hiểu cụm từ này theo nghĩ tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân từ khởi sự đến làm ăn thuận lợi… thì bước đầu tôi thấy Chính phủ đã có những bước đi minh chứng cho thông điệp của mình”, ông Long nói và đưa ra những ví dụ điển hình như Nghị quyết 35 tháng 5/2016 với quy định tiết giảm thanh tra doanh nghiệp, các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực 7/2016 gỡ bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh. Gần đây nhất là việc vừa bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo vào tháng 1/2017… đã thể hiện rõ tinh thần hành động của Chính phủ.

“Tất nhiên khoảng cách từ các chính sách ban hành đến thực thi và hữu hiệu thực sự cho doanh nghiệp không phải là một con đường ngắn. Tôi cũng muốn mong muốn năm 2017 có thêm nhiều chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian chờ và hồ sơ trong các thủ tục liên quan đến kinh doanh. Đồng thời, cũng mong các phản hồi của Chính phủ với khó khăn của doanh nghiệp được nhanh chóng và quyết liệt hơn để kỳ vọng một năm 2017 khởi sắc cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Long chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng giám đốc công ty địa ốc Đất Lành chia sẻ, chúng ta đã trải qua nhiều năm mà các chính sách được ban hành thiên về mục tiêu quản lý, chứ không thiên về mục tiêu kiến tạo. Từ đó, khiến các sản phẩm có giá thành, giá bán cao, không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, không thể lớn nhanh được.

“Nay “Chính phủ kiến tạo” tức là Chính phủ phải trải đường băng hạ tầng để doanh nghiệp phát triển, cất cánh, nên luật lệ phải được giảm bỏ các loại “trạm gác” “trạm thu phí”. Các luật lệ phải khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh sản xuất với chi phí thấp”, ông Đực bày tỏ.

Ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch HĐQT, Công ty Nhà Vui cho rằng, để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thì trước nhất cần kiên quyết loại trừ những doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh kém hiệu quả.

“Nếu Chính phủ không quyết liệt, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục ôm mảng kinh doanh của họ, gây cản trở cho nhiều doanh nghiệp khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân khó có thể lớn mạnh và làm mất niềm tin vào các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công và các chương trình trọng điểm quốc gia”, ông Phong trải lòng. 

Cũng theo ông Phong, cần thay đổi cách tiếp cận và tư duy phát triển như tổ chức đối thoại, phản biện; tạo nên sự song hành giữa chính quyền với doanh nghiệp trong việc đổi mới và phát triển môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các chương trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, và tạo điều kiện khởi nghiệp cho các doanh nghiệp trẻ. Công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần được tăng cường hiệu quả và theo hướng chuyên nghiệp hóa nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, môi trường kinh doanh không chỉ cần sự thuận lợi, minh bạch mà đòi hỏi phải có sự công bằng và những người thực thi cần sự công tâm, liêm chính.

Thực tế, nhiều nơi, chỉ những doanh nghiêp lớn mới được quan tâm, ưu ái đặc biệt. Nhiều công trình sử dụng sai ngân sách cho cả công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều công trình làm sai nguyên tắc đấu thầu khi chỉ định thầu dẫn tới làm méo mó thị trường… Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thường là yếu thế và không có cửa vào được.

“Khi pháp luật được tuân thủ và thực thi một cách công bằng và nghiêm minh, thì mọi doanh nghiệp đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Doanh nghiệp không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ không công bằng”, ông Đệ nói.

Thu Hà
(tổng hợp)

Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Doanh-nhan-trai-long-ve-Chinh-phu-kien-tao/297716.vgp