Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong tháng 1.2014, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 397,15 triệu USD, bằng 78,1% so với cùng kỳ năm 2013. Sự giảm sút này cho thấy công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua chưa hiệu quả. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Quy chế mới quy định các hoạt động xúc tiến đầu tư và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Theo đó, chương trình xúc tiến đầu tư của các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế hay khu công nghệ cao… phải được xây dựng, tập hợp thành chương trình xúc tiến đầu tư sau khi thống nhất với Bộ. Việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện xúc tiến đầu tư cũng chưa được quan tâm. Tán thành với quan điểm này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, không nên duy trì việc các địa phương tự xúc tiến đầu tư, mà cần có chiến lược xúc tiến đầu tư quốc gia để tránh phân tán nguồn lực.
Trước đây, hoạt động xúc tiến đầu tư chưa mang tính liên ngành, liên vùng, chưa kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch, đối ngoại, văn hóa. Với mục tiêu tránh lãng phí nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến khích các hoạt động xúc tiến đầu tư mang tính liên ngành, liên vùng; hạn chế thực hiện các hoạt động đơn lẻ để tránh chồng chéo, trùng lặp. Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến đầu tư địa phương trước đây cũng thường trùng lặp về nội dung, phương thức, thời gian, địa điểm, nên có tình trạng hàng chục đoàn cùng đi xúc tiến đầu tư tại Nhật bản cùng thời điểm. Nhưng với quy định mới này, chương trình xúc tiến chỉ được thực hiện khi có tính khả thi về nội dung, phương thức, thời gian, địa điểm, kinh phí và tiến độ triển khai. Vấn đề quan trọng trong hoạt động xúc tiến là, địa phương cần chọn lựa dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường và dứt khoát nói không với những dự án đầu tư, khai thác không gắn với công nghệ chế tạo, chế biến… Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long, cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư, chuyển sang hình thức vận động, thu hút đầu tư theo dự án có trọng điểm và đối tác có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư.

Nhờ đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, trong tháng 1 năm nay, tại TP Hải Phòng đã có doanh nghiệp tăng vốn đầu tư lên hơn 122 triệu USD và nhà đầu tư Singapore xin cấp giấy chứng nhận đầu tư dịch vụ quản lý khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Những phương thức đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư cũng mang lại cho Hải Phòng một số kết quả đáng khích lệ khác. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền cho biết, thành phố chủ động tìm hiểu, chọn lựa những doanh nghiệp, những tập đoàn mong muốn hoặc có kế hoạch đầu tư vào châu Á hay Việt Nam để trực tiếp gặp gỡ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt cho biết, quy định mới sẽ giúp địa phương tránh lãng phí về thời gian và kinh phí trong xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Bên cạnh việc thực hiện tốt quy định, tỉnh Thanh Hóa cũng đang kết nối với Bộ Ngoại giao, các Tổng lãnh sự quán các nước để đưa đoàn đi xúc tiến đầu tư hiệu quả, đồng thời kêu gọi các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ, cảng, sân bay để hấp dẫn các nhà đầu tư trong tương lai.

Với quy định mới, hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ hướng đến các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nói cách khác là xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án hiệu quả, hạn chế khá nhiều lãng phí trong quá trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài.

Xuân Lan
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân