Đối thoại về thuế: Nhiều cái “nóng”chưa gỡ được!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, gần 400 doanh nghiệp đã tham gia buổi đối thoại về thuế do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) và Cục Thuế TP.HCM tổ chức. Ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Giám đốc ITPC, cho biết đây là lần có số lượng doanh nghiệp tham gia đông kỷ lục và số câu hỏi cũng thuộc hàng kỷ lục, giải đáp gần 120 câu hỏi tại chỗ và hơn 45 câu hỏi sẽ được trả lời sau bằng văn bản.

Buổi đối thoại thường kỳ lại “nóng” hơn thường lệ là do những lần đối thoại gần đây đều tập trung vào lĩnh vực hải quan hay thủ tục vay ngân hàng khiến những vướng mắc gần đây về thuế bị “nén” lại. Trong khi đó, thời gian qua có nhiều chính sách mới, quy định mới về thuế có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Không cho nộp tiền mặt?

Một số doanh nghiệp có chung vướng mắc về việc thanh toán qua ngân hàng. Theo quy định thì mua hàng trên 20 triệu đồng phải có hóa đơn, chứng từ và buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Nguyên Cát (quận 10, TP.HCM) đã gặp vướng mắc. Để cắt giảm chi phí, công ty này chủ động mang tiền mặt nộp vào tài khoản của bên bán hàng tại ngân hàng của bên bán để khỏi mất phí chuyển khoản. Thế nhưng việc nộp tiền mặt như vậy lại không được xem là thanh toán qua ngân hàng! Cục Thuế TP.HCM giải thích rằng theo quy định thì có bảy hình thức thanh toán qua ngân hàng nhưng chung quy lại thì đều là chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác chứ không dùng tiền mặt.

Cục Thuế cũng cho biết thêm là Cục đã hướng dẫn như trên cho các doanh nghiệp tại TP.HCM. Tuy nhiên, một số địa phương khác (như tại Buôn Ma Thuột) thì hướng dẫn khác, chấp nhận việc nộp tiền mặt. Chính vì vậy đã khiến doanh nghiệp băn khoăn vì nhiều cách áp dụng khác nhau. Đã từng có doanh nghiệp tại TP.HCM mua hàng nông sản ở Buôn Ma Thuột và nộp tiền mặt. Doanh nghiệp nộp xong thì cơ quan thuế TP.HCM không chấp nhận, cơ quan thuế ở Buôn Ma Thuột thì lại ưng.

Ưu đãi sợi vải, không ưu đãi sợi chỉ

Ngoài vướng mắc về thủ tục thuế thì doanh nghiệp còn ấm ức với quy định về chính sách thuế. Nhất là chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng gần đây. Theo Quyết định 58 ngày 16-4-2009 thì sẽ giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (từ ngày 1-5-2009 đến hết 31-12-2009) cho sợi, vải và sản phẩm may mặc. Thế nhưng Công ty TNHH Trần Hiệp Thành (quận 8) làm gia công nhuộm, cho ra vải nhuộm thành phẩm thì lại không được giảm! Một công ty may chỉ sợi khác cũng không được giảm thuế vì quy định chỉ giảm thuế cho sợi vải (dùng dệt vải) chứ không giảm cho sợi chỉ (dùng để may).

Một doanh nghiệp ngành giày vừa sản xuất giày da, vừa sản xuất dép da thì bức xúc vì quy định giảm 50% thuế cho giày nhưng lại không giảm thuế cho dép!

Trước những thắc mắc trên, Cục Thuế TP.HCM cũng bó tay, chỉ có thể giải thích chính sách cho doanh nghiệp chứ không giải quyết được vì việc quyết định cái nào được giảm, cái nào không thuộc về Bộ và Chính phủ.

Liên quan đến cắt giảm ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo cam kết gia nhập WTO, Công ty TNHH Three Bambi (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) cho biết công ty sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc trước đây đăng ký hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án. Vào thời điểm thành lập thì quy định cho phép doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu được hưởng ưu đãi trên. Thế nhưng sau khi gia nhập WTO thì quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đã loại bỏ ưu đãi này. Gần đây, Bộ Tài chính có hướng dẫn doanh nghiệp chuyển sang hưởng ưu đãi khác. Theo đó, Công ty Three Bambi đăng ký phương án áp dụng thuế suất theo giấy phép đầu tư ban đầu là 10% suốt dự án. Thế nhưng sáng qua, Cục Thuế TP.HCM cho biết với trường hợp của công ty này, do công ty nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất nên có thể chuyển sang hưởng ưu đãi thuế 15% cho suốt dự án chứ không thể áp dụng tiếp tục thuế suất 10%. Điều kiện và mức ưu đãi này có thể áp dụng chung cho các doanh nghiệp tương tự nằm trong khu.

Ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Giám đốc ITPC, cho biết trước tình hình “nóng” về thuế như trên, cuối tháng 5, ITPC sẽ tổ chức đối thoại cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tháng 6 lại tiếp tục đối thoại về thuế cho các doanh nghiệp trong nước.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ