Dự báo VN-Index 2012
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2011, số công ty lỗ chiếm 12% trong tổng số các công ty niêm yết và có khoảng 60% doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận sụt giảm so với năm 2010. Đặc biệt, con số lỗ ở các công ty chứng khoán là gần 80%. Sự lùi bước của nhiều công ty chứng khoán nhỏ như rút nghiệp vụ môi giới, xin hủy niêm yết… tiếp nối sau làn sóng mất khả năng thanh toán khiến nhà đầu tư thêm hoang mang. Niềm tin lung lay kéo theo sự sụt giảm trong hoạt động giao dịch chứng khoán, vốn đã èo uột ngay từ đầu năm. Theo Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), giá trị giao dịch trung bình trên cả 2 sàn năm 2011 chỉ nhỉnh hơn 1.000 tỉ đồng/phiên, giảm 2,5 lần so với năm 2010.

Nửa năm u ám

Với những gì vừa khép lại trong năm 2011, thật khó để nhà đầu tư và các công ty chứng khoán hy vọng nhiều vào năm 2012. Nhìn chung, các chuyên gia chứng khoán đều cho rằng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng giảm điểm trong 6 tháng đầu năm. Thậm chí, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Điều hành Bộ phận Nghiên cứu Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), cho rằng VN-Index sẽ giảm về mức 300 điểm trong quý I/2012.

Lãi suất và lạm phát là 2 yếu tố được quan tâm nhiều nhất vì chúng quyết định đến sự tăng điểm của các chỉ số. Lạm phát giảm sẽ giúp kéo lãi suất ngân hàng giảm xuống. Tuy nhiên, lãi suất năm 2012 được ông Marc Djandji, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dự báo ở mức 10-12%, cao hơn mục tiêu 9% của Chính phủ. Lý do ông đưa ra là vì nhóm lương thực thực phẩm chiếm gần 40% trong rổ hàng hóa tính CPI và hiện vẫn còn ở mức cao, dù giá cả hàng hóa bắt đầu có dấu hiệu đi xuống kể từ quý II/2011. Do đó, ông đưa ra kịch bản khá thận trọng cho VN-Index, ở mức 330-400 điểm trong 6 tháng đầu năm.

Dòng tiền mới chưa xuất hiện cũng là yếu tố củng cố cho quan điểm trên. Áp lực bán ra cổ phiếu để cắt lỗ khiến dòng tiền tiếp tục bị rút ra khỏi thị trường. Mặt khác, chính sách tiền tệ chặt chẽ của Chính phủ trong năm 2012 là cơ sở để ông Fiachra, HSC, cho rằng thị trường sẽ còn u ám cho đến giữa năm.

Hiện nay, diễn biến ảm đạm của thị trường đã khiến niềm tin nhà đầu tư suy giảm từng ngày. Theo ông Lê Đình Minh Phương, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán KIS, phần lớn nhà đầu tư đang rất lo lắng và chỉ giao dịch cầm chừng. Cộng với việc số lượng doanh nghiệp niêm yết năm 2012 sẽ cao hơn 2011 (như mục tiêu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM), thị trường sẽ càng trầm lắng hơn. Ông cho rằng 330-450 điểm là mức hợp lý của VN-Index trong năm 2012.

Với cái nhìn lạc quan hơn, ông Michael Kokalari, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS), cho rằng sự sụt giảm của thị trường là do yếu tố tâm lý vì triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt. Theo ông, lãi suất sẽ bắt đầu đi xuống từ đầu quý II/2012 và thị trường sẽ tăng tương ứng trong thời gian này. “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu lúc đó thị trường không đạt được ít nhất 450 điểm”, ông nói.

Trong nguy có cơ

2012 sẽ tiếp tục là năm thử thách sức chịu đựng của doanh nghiệp trước những tác động từ chính sách vĩ mô.

Ông Trần Vinh Dự, Giám đốc Công ty Tư vấn và Đầu tư TNK Capital Partners, cho rằng yếu tố đầu tiên là thu hẹp đầu tư công. Đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ quyết định này là doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Kế đến là các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng và các dịch vụ hỗ trợ ngành xây dựng. Doanh nghiệp những ngành này sắp phải đối mặt với tình trạng doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng.

Đồng quan điểm trên, ông Fiachra, HSC, đang chờ đợi những vụ sáp nhập trên thị trường bất động sản. Theo ông, chúng sẽ diễn ra trong quý I/2012 với quy mô lớn. Điều này cũng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư muốn thâu tóm doanh nghiệp với chi phí thấp. Theo đó, dòng tiền sẽ chuyển từ kênh vàng sang tiền đồng, một phần sẽ chảy ngược vào thị trường chứng khoán. Điều này, theo ông, có thể sẽ xảy ra vào quý II/2012.

Yếu tố tiếp theo là quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Xu hướng liên kết hoặc sáp nhập các công ty chứng khoán và ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra và gây áp lực nhiều hơn cho thị trường. Chính phủ có thể sẽ cứu ngân hàng khỏi cảnh đổ vỡ bằng cách bơm tiền một cách chừng mực. Tuy nhiên, nếu bơm tiền quá nhiều thì sẽ làm tăng áp lực lạm phát. Do đó, nhiều khả năng lãi suất sẽ vẫn ở mức cao.

Theo ông Marc Djandji, VCSC, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15-17% trong năm 2012, Chính phủ một lần nữa phải ưu tiên vốn cho 4 nhóm chính là nông nghiệp – nông thôn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này có nghĩa là các nhà xuất khẩu nông sản và thủy hải sản sẽ hưởng lợi nhiều từ việc dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ngành ngân hàng cũng sẽ hưởng lợi từ chương trình tái cấu trúc của Chính phủ. Cụ thể, năng lực tài chính của ngân hàng sẽ được cải thiện, từ đó gia tăng được khả năng cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài. Cổ phiếu những ngành nói trên vì thế sẽ có sức bật tốt hơn trong năm 2012.

Đối với các doanh nghiệp, ông Dự, TNK Capital Partners, cho rằng cần chuẩn bị trước cho kịch bản lãi suất sẽ không giảm nhanh, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm 2012. Các đối sách như tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường quản lý rủi ro, chủ động tìm nguồn vốn mới là những gì doanh nghiệp cần thực hiện để có thể tồn tại.

Nguồn: Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư