Đâu là “đáy” của kinh tế Việt Nam ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kinh tế Việt Nam vẫn ở đáy

Nếu hình dung diễn biến suy thoái kinh tế theo hình chữ U, thì hiện chúng ta đang ở đáy chữ U. Và điểm đáy này sẽ tiếp tục kéo dài dù một số chỉ tiêu kinh tế như sản xuất công nghiệp tháng 5 đã tăng 6,8%, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 cũng tăng gần 3%. Bên cạnh đó, những biểu hiện của thị trường nội địa đang cho thấy chính sách kích cầu đang tạo tác động tích cực khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trong 5 tháng tăng 8,4%.

Khi người dân bỏ tiền chi tiêu dùng nhiều hơn cũng có nghĩa là sản xuất được hỗ trợ. Các chính sách kích thích kinh tế khi nền kinh tế đang khát vốn và yếu về nội lực đã tháo gỡ được phần nào khó khăn cho cả sản xuất và tiêu dùng. Doanh nghiệp, ngân hàng và người dân đều được hưởng lợi.

Tạm thời nền kinh tế đã dịu bớt căng thẳng. Tuy nhiên, trước cơn khủng hoảng sâu của nền kinh tế thế giới, dự báo trong nửa còn lại của năm nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức. Ngay ở Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII đang diễn ra và trong các cuộc họp của Chính phủ gần đây, lạm phát là vấn đề rất được lưu tâm cho những tháng cuối năm, cho dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 chỉ tăng 2,12% so với tháng 12.2008.

Nguồn cơn của lạm phát là cung tiền quá nhiều như từ các gói kích thích kinh tế đang và sẽ được đưa vào lưu thông. Dòng tiền này nếu giải ngân chậm, hoặc đầu tư sai lệch, sẽ dẫn đến nguy cơ nợ khó đòi. Tiền không đưa vào sản xuất sẽ không tạo ra hàng hóa, tạo sự mất cân đối giữa lượng tiền và hàng hóa trong lưu thông. Đây là nguy cơ lạm phát thứ nhất. Một nguy cơ lạm phát nữa là do chi phí đẩy, tức khi nền kinh tế phục hồi, giá cả tăng khiến giá nguyên liệu nhập khẩu và hàng tiêu dùng tăng lên.

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, các khoản chi lớn kích thích kinh tế đất nước đang đe dọa thâm hụt ngân sách cao. Nghịch lý ở chỗ trong khi thiếu vốn thì vốn dành cho đầu tư lại giải ngân chậm, như vậy sẽ hỗ trợ không đáng kể cho tăng trưởng tế.

Một nghiên cứu cho thấy đến nay, y tế, giáo dục chưa tiêu được đồng nào vốn trái phiếu Chính phủ, và cả nước cũng chỉ giải ngân được 5.390 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm (đạt 15% kế hoạch giải ngân vốn trái phiếu năm 2009). Với vốn ODA, theo số liệu của Tổng cục thống kê, 5 tháng đầu năm ước giải ngân được 720 triệu USD, trong khi kế hoạch giải ngân ODA là 2,5 tỷ USD. Rất nhiều địa phương giải ngân ODA chậm trong khi nhiều dự án trọng điểm được ưu tiên có vốn đối ứng.

Khan hiếm USD và sức ép lạm phát

Một yếu tố quan trọng có tác động đến lạm phát là sức ép tăng tỷ giá giữa VNĐ và USD từ nay đến cuối năm do khan hiếm USD có thể xảy ra vào quý III. Nguyên nhân chính là do thâm hụt thương mại lớn, kiều hối giảm, các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và ODA giải ngân chậm, khiến cán cân thanh toán có nguy cơ mất thăng bằng. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, sức ép điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm là không tránh khỏi do sức ép giảm giá đồng tiền của nhiều nước trên thế giới.

Để giảm các sức ép này, việc trước tiên là các ngân hàng không nên lấy giải ngân nhiều làm thành tích vì dễ dẫn đến dễ dãi trong các khoản cho vay. Các biện pháp tránh sốc cho nền kinh tế cũng cần tính đến việc nới lỏng tỷ giá hợp lý. Khi đó các nhà xuất khẩu kinh doanh hiệu quả, sức cạnh tranh qua giá hàng hóa xuất khẩu tăng lên giúp tăng nguồn thu ngoại tệ. Về lâu dài, việc nới lỏng tỷ giá sẽ phải cân đối giữa nhiều yếu tố, trong đó Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính đến việc hỗ trợ sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Khi nới rộng tỷ giá, khu vực khu vực nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài về để sản xuất hàng trong nước sẽ chịu sức ép giá thành cao, dẫn đến sự cạnh tranh về giá giảm.

Theo Ts Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, khi nguồn cung USD khan hiếm hơn, cộng thêm sức ép lạm phát, cần bảo đảm một lượng vàng đủ cho nhu cầu, bởi vàng lúc đó được coi là mặt hàng có tính bảo đảm cao. Từ lúc này, chính sách lãi suất từ cần được điều chỉnh làm giảm sự cạnh tranh giữa đồng VNĐ và USD. Hiện không ít doanh nghiệp không xuất khẩu được nên đã găm USD trong tài khoản. Do đó nếu điều chỉnh lãi suất USD thấp sẽ tránh được sự cạnh tranh giữa USD và VNĐ.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân