Dự thảo “Đề án tái cấu trúc Cty chứng khoán” : Hãy để thị trường quyết định
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vấn đề là làm thế nào các CTCK hoạt động được lành mạnh, làm sao để thị trường thực sự tăng trưởng, chứ không phải vấn đề số lượng CTCK nhiều hay ít.

Có thể hiểu, cơ quan quản lý đặt ra vấn đề tái cấu trúc TTCK và một trọng tâm sẽ là các CTCK, trước hết để bảo vệ NĐT và tránh những sự việc như đổ vỡ có thể xảy ra trên thị trường. Xa hơn, để tạo ra một thị trường huy động vốn phát triển lành mạnh, ổn định, có hiệu quả cho nền kinh tế.

Cách nào cho thuận?

Xét ở mục tiêu thứ nhất, rào chắn để bảo vệ cho các NĐT tránh mất tiền từ việc các CTCK mất thanh khoản như hiện nay là đã khá chặt chẽ. Chỉ cần CTCK có dấu hiệu mất thanh khoản, NĐT đã sẵn sàng chuyển tài khoản sang CTCK khác. Họ sẽ chỉ bị kẹt lại trong trường hợp vay mượn hoặc cho các CTCK vay mượn, bù trừ chứng khoán để ứng trước, bán khống, mà không báo cáo lên Trung tâm lưu ký, hoặc bị chính CTCK mượn cổ phiếu của mình để sử dụng tự doanh, hoặc cho NĐT khác vay mà không biết. Trong trường hợp CTCK đã làm bậy như vừa nêu thì rất khó có rào cản nào mà cản được. Vấn đề lúc đó thuộc phạm trù đạo đức kinh doanh cũng như nếu bị phát hiện, biện pháp chế tài của cơ quan quản lý có đủ mạnh, có khiến CTCK khác cũng phải… sợ, và không dám vi phạm nữa hay không.

Theo như nội dung Dự thảo Đề án tái cấu trúc các CTCK thì việc phân loại 3 nhóm CTCK gần như không có gì mới, so với Luật chứng khoán có sửa đổi bổ sung trước đây, bởi chủ yếu vẫn dựa trên chỉ tiêu an toàn tài chính của các CTCK để phân nhóm. Trong trường hợp thì vai trò quản lý và giám sát an toàn tài chính của các CTCK, từ phía cơ quan quản lý là rất quan trọng, nhưng cũng như đã phân tích ở trên, TTCK là một thị trường hết sức “nhạy cảm”, do đó đôi khi NĐT còn có những thông tin và đưa ra những quyết định sớm hơn cả cơ quan quản lý.

Quay trở lại với vấn đề số lượng các CTCK. Có nhất thiết phải sáp nhập, hợp nhất, hoặc bắt buộc phá sản, giải thể một số CTCK, để chỉ còn những Cty đủ mạnh, có quy mô lớn trên thị trường? Khoan hãy nói đến chuyện liệu các CTCK lớn có thực sự là những tổ chức trung gian tạo lập thị trường với hoạt động lành mạnh, tích cực, ít thua lỗ, hay chính một số CTCK lớn thời gian cũng đã lũng đoạn và dẫn dắt thị trường vào mê trận tự doanh của chính họ? Câu hỏi này xin phép không cần trả lời vì bản thân thị trường và NĐT hiểu hơn ai hết điều đó.

Còn nói về các CTCK nhỏ, có khá nhiều mô hình, cách thức cho các CTCK nhỏ vẫn tồn tại, và đảm bảo hoạt động lành mạnh để qua đó không gây liên lụy, tác động tiêu cực tới thị trường. Lời dạy của Bác Hồ “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” cũng có thể ứng dụng cho các trường hợp CTCK nhỏ vào lúc này và trong tương lai. Thực tế hiện nay cho thấy hầu hết những CTCK thiếu vốn liếng đều đã rút các nghiệp vụ môi giới, tự doanh, chỉ để lại nghiệp vụ tư vấn tài chính. Nếu chỉ có một nghiệp vụ tư vấn tài chính không thôi, thì có thể hiểu mặc nhiên CTCK đó đang… đóng cửa. Vì nghiệp vụ này gần như không lại bất kỳ lợi nhuận nào cho CTCK trong thời kỳ thị trường khó khăn. Vậy, các CTCK nhỏ vẫn có thể giữ nghiệp vụ môi giới, thực hiện vai trò trung gian môi giới cho CTCK lớn khác.

Vậy vấn đề là làm thế nào các CTCK hoạt động được lành mạnh, làm sao để thị trường thực sự tăng trưởng, chứ không phải vấn đề số lượng CTCK nhiều hay ít. Khi các CTCK vận hành được, sống được, tồn tại được, liệu việc giảm tải các CTCK đã là hay?

Giả sử khi thị trường có giao dịch 3.000 – 5.000 tỉ đồng/ phiên, các CTCK có phải băn khoăn chuyện sống hay không sống? 3.000 – 5.000 tỉ đồng đã từng là quy mô giao dịch của thị trường VN, chúng ta phải nghiên cứu làm sao để thị trường bền vững với quy mô giao dịch đó, chứ không phải là co lại, hoặc để phát triển quy mô giao dịch đó trong một giai đoạn nhất thời, một kiểu tăng trưởng nóng. Còn nếu để thị trường tiếp tục suy giảm như hiện tại, thì cứ hình dung một quy mô giao dịch chỉ khoảng 200 tỉ đồng/ phiên chẳng hạn, nếu thị trường chỉ có 20 CTCK, con số đó vẫn là quá nhiều.

Mục tiêu tăng vốn

Tất nhiên, để TTCK VN tiệm cận thông lệ quốc tế, các CTCK VN vẫn phải đặt ra mục tiêu tăng vốn, không thể dừng lại ở nguồn vốn khiêm tốn như hiện nay. Một lần nữa, nhắc lại vấn đề là thực tế thị trường với CTCK có tiềm lực tài chính mạnh, liệu có phát huy được chất lượng của nguồn vốn lớn? Nếu đặt ra yêu cầu mỗi CTCK phải đáp ứng mức vốn 2.000 tỉ đồng chẳng hạn, trong bối cảnh hiện nay, điều đó có cần thiết hay không? Có lẽ với các CTCK đang có 2.000 tỉ đồng, họ cũng sẽ chẳng biết làm gì ngoài việc mang tiền đi gửi tiết kiệm lĩnh lãi như trường hợp một số CTCK đã thực hiện khi lãi suất huy động còn ở mức 17-18%, trong khi TTCK chứng khoán cạn kiệt giao dịch.

Nâng “chuẩn” nhân lực CTCK

Yếu tố quyết định có bao nhiêu CTCK, quy mô các CTCK ở ngưỡng nào, mô hình, thể thức hoạt động ra sao chung quy vẫn là thực tiễn vận động của thị trường.

Vì vậy, yếu tố quyết định có bao nhiêu CTCK, quy mô các CTCK ở ngưỡng nào, mô hình, thể thức hoạt động giữa CTCK lớn và CTCK nhỏ ra sao, chung quy lại vẫn là thực tiễn vận động của thị trường. Mục tiêu mà thị trường đang chờ đợi từ phía các cơ quan quản lý là một khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo tiền đề để các CTCK thực sự được vận hành, hoạt động theo quy luật thị trường. CTCK nào không trụ lại được, bản thân sẽ phải tự động rút lui. CTCK nào vẫn tồn tại, có thể tiến lên phía trước, thì sẽ tiếp tục tiến. Khung pháp lý cũng là để tạo rào chắn bảo vệ cho các NĐT. Hơn nữa, những sản phẩm để thu hút NĐT, thu hút dòng tiền, tạo thanh khoản cho TTCK hiện vẫn chưa đầy đủ.

Rõ ràng là thị trường đòi hỏi một chính sách hỗ trợ hơn cho vấn đề sản phẩm. Bên cạnh đó, để các CTCK ổn định, hoạt động tốt, cũng cần phải nâng cao chất lượng nhân lực của các CTCK. Nhân lực để được sáng lập và vận hành CTCK phải có những chuẩn mực, trình độ nhất định, chứ không phải có tiền là lập được các CTCK và ngồi ghế chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCK như thời gian qua. Khi nhân lực không đủ trình độ thì không chỉ khó nắm bắt các quy định pháp lý của cơ quan quản lý mà còn khó có thể ứng dụng vận hành các sản phẩm cung cấp cho thị trường. Về tương lai lâu dài, có lẽ cơ quan quản lý cũng sẽ tính đến chuyện để các CTCK tự vận hành và sáng tạo sản phẩm cho thị trường, điều đó khiến các CTCK phải tự cạnh tranh với nhau, đồng thời phải tự nâng cấp trình độ và kỹ năng quản lý rủi ro, khả năng am hiểu và vận hành các sản phẩm cho NĐT.

Lê Mỹ lược ghi
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp