Dự thảo Quy định tạm thời về việc quản lý hoạt động tàu du lịch và tàu lưu trú trên vịnh Hạ Long: Nhiều điều bất hợp lý, phi thực tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị thành viên, Liên minh HTX- DNNVV tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh hoãn ban hành Quy định tạm thời về việc quản lý hoạt động tàu du lịch và tàu lưu trú trên vịnh Hạ Long và mời các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, tàu lưu trú và đại diện một số sở, ngành liên quan tham gia góp ý kiến vào dự thảo quy định này.

Ngày 11/3/2011, một hội nghị với sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp và đại diện Sở VH- TT&DL, Sở KH&ĐT, Sở Tư pháp, Sở GTVT, UBMTTQ tỉnh, HĐND tỉnh, lãnh đạo Liên minh HTX- DNNVV đã được tổ chức. Tại hội nghị, nhiều vấn đề “nổi cộm” đã được đặt lên bàn thảo luận.

Ông Đào Mạnh Lượng- Giám đốc Công ty TNHH Hạ Long- Biển Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long- rất ngạc nhiên: Một quy định liên quan đến hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, hơn 150 tàu được phép cho khách lưu trú trên vịnh, mà không ai được biết sẽ có một quy định như vậy. Vì sao?

Tại chương II, mục I, khoản 7, tiết b, dự thảo quy định: “Số người lên boong dạo trong cùng một thời điểm tối đa không quá 25%”. Đây là quy định không hợp lý, bởi du khách nước ngoài thường đi cả gia đình (4- 6 người, thuê cả tàu). Nếu theo quy định 25% thì mỗi lần chỉ 1 người được lên boong dạo, như vậy sẽ rất khiếm nhã, vì họ đến vịnh Hạ Long không phải chỉ vào khoang để ngủ, lên boong mới thưởng thức được hết cái đẹp của vịnh. Nên chăng cần quy định chủ tàu phải hướng dẫn và bảo đảm an toàn cho khách khi lên boong dạo?

Nhiều chủ tàu cũng không đồng tình với dự thảo quy định về diện tích của ghế ngồi không được nhỏ hơn 50cm2 là quá chi tiết và không cần thiết, hoặc quy định nhà vệ sinh tối thiểu phải rộng 1,8m2, phải có quạt điện đặt trước bàn… Thực tế, tàu hiện đại đã có máy điều hòa không khí. Ghế loại nào, quy cách ra sao, đã được cơ quan đăng kiểm cho phép.

Ông Bùi Tuấn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Hương Hải- so sánh: Ông đã làm thuê cho một số hãng tàu du lịch của một số nước tiên tiến, ghế ngồi, nhà vệ sinh, buồng phòng không rộng như UBND tỉnh Quảng Ninh quy định mà nhỏ hơn nhưng khá hiện đại.

Các doanh nghiệp, các chủ tàu có tàu lưu trú trên vịnh rất băn khăn về quy định thời gian lưu trú trên vịnh Hạ Long. Chương IV, mục 2, điều 25, khoản 5 của dự thảo quy định: “Thời gian lưu trú trên tàu không quá 24 tiếng cho 1 lần cấp phép rời cảng”. Đây là một quy định rất bất hợp lý. Thời gian khách từ Hà Nội xuống đến Hạ Long đã mất 4- 5 tiếng đồng hồ, tàu ra đến nơi neo đậu hết nửa ngày, ngủ qua một đêm là giấy phép hết hạn. Trong khi đó, tiêu chí của ngành du lịch là kéo dài thời gian lưu trú của khách. Nếu quy định trên có hiệu lực thì sẽ hạn chế thời gian khách lưu trú đêm trên vịnh. Trước đây, giấy phép cho thời hạn lưu trú trên vịnh từ 3- 5 ngày. Theo các chủ tàu, các doanh nghiệp, nên giữ quy định thời gian lưu trú như cũ.

Các doanh nghiệp và một số đại diện các ngành chức năng có mặt tại hội thảo đều đồng tình: Cần xem lại quy định tại Chương III, điều 14, khoản, 5 tiết b “Số nhân viên phục vụ bảo đảm tối thiểu theo tỷ lệ 01 nhân viên trên 01 khách”. Đây là quy định phi thực tế. Ví dụ, 1 tàu chở 50 khách phải có 50 nhân viên phục vụ, quá đông, thiết kế của tàu không đủ chỗ ăn ở cho 50 nhân viên phục vụ. Về hiệu quả kinh doanh thì không doanh nghiệp nào có đủ lợi nhuận để đủ nuôi số lượng lớn nhân viên như vậy, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực du lịch.

Thêm vào đó, quy định tại khoản 6, điều 53, Chương VIII, khoản “Trường hợp tàu du lịch, tàu lưu trú gây hậu quả nghiêm trọng phải dừng hoạt động của tất cả các phương tiện thuộc quyền quản lý của chủ phương tiện”. Đây cũng là một quy định vừa không đúng Luật Doanh nghiệp vừa phi thực tế. Trước hết, phải quy định rõ thế nào là “hậu quả nghiêm trọng”? Phương tiện nào gây hậu quả thì đình chỉ hoạt động phương tiện đó, chứ không thể đình chỉ hoạt động của cả doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có 10 tàu, khi 1 tàu vi phạm lại đình chỉ hoạt động cả 10 tàu là vô lý, rất có thể sẽ đẩy doanh nghiệp đến tình trạng phá sản…

Hội nghị với những ý kiến thẳng thắn xây dựng cho thấy, dự thảo Quy định tạm thời về việc quản lý hoạt động tàu du lịch và tàu lưu trú trên vịnh Hạ Long còn nhiều điều chưa hợp lý, chưa phù hợp thực tế, gây khó cho doanh nghiệp, thậm chí hạn chế hoạt động kinh doanh du lịch tại vịnh Hạ Long.

Hội nghị đồng tình kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh tạm hoãn ban hành Quy định này để bổ sung, điều chỉnh và nên có đại diện của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, tàu lưu trú trên vịnh tham gia, bởi doanh nghiệp chính là người hiểu thực tế nhất và cũng chính là người thực hiện. Hơn nữa bất kỳ một quy định riêng nào của địa phương được ban hành cũng phải đúng luật, phù hợp với thực tế.

Tây Ninh
Nguồn: Báo điện tử  Kinh tế Hợp tác Việt Nam