Dừng bán hàng miễn thuế cho khách nhập cảnh: Doanh nghiệp lao đao, khách nhập cảnh thiệt thòi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việc không được tiếp tục bán hàng miễn thuế cho khách nhập cảnh làm cho DN kinh doanh hàng miễn thuế tồn đọng lượng hàng hóa với tổng trị giá lớn, đặc biệt đối với DN nhập khẩu hàng hoá trực tiếp. Ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội- đơn vị có cửa hàng miễn thuế C4 Giảng Võ, Hà Nội- cho biết, mặc dù, thời gian qua, Tổng công ty đã áp dụng nhiều chính sách để tăng lượng hàng bán ra, thậm chí, có những mặt hàng phải giảm giá tới 50%, nhưng đến nay, đơn vị vẫn còn tồn lượng hàng hóa trị giá khoảng 500.000 USD. Mặt khác, số vốn khá lớn mà các DN đã đầu tư để hoạt động kinh doanh bán hàng miễn thuế cho khách nhập cảnh như thuê mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống quầy kệ được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống máy tính và phần mềm quản lý kết nối mạng với cơ quan Hải quan để thực hiện quản lý việc kinh doanh bán hàng miễn thuế… chưa kịp thu hồi vốn. Cùng với đó là lượng lao động lớn đang đứng trước cảnh dôi dư, không có việc làm, như Tổng công ty Thương mại Hà Nội có gần 150 lao động, Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam có gần 100 lao động, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài có trên 50 lao động… là những khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế đang phải đối mặt. Ông Vượng buồn bã nói: tính đến hôm nay (ngày 10/7), cửa hàng C4 Giảng Võ đã đóng cửa 10 ngày, cũng đã 10 ngày, gần 150 lao động của cửa hàng miễn thuế phải nghỉ việc, chưa biết bố trí công việc thế nào.

Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là việc triệt tiêu loại hình cửa hàng miễn thuế sẽ gây thiệt thòi không chỉ cho các đơn vị kinh doanh hàng miễn thuế mà còn cho cả những người nhập cảnh. Theo ông Vượng, như vậy, từ 1/7/2009, những người đi công tác, lao động, học tập ở nước ngoài, Việt kiều hồi hương, khách du lịch quốc tế… thay vì có thể đàng hoàng mua ngay tại nội thành Hà Nội, sẽ phải mua hàng ở nước ngoài. Điều này sẽ là thiệt thòi lớn cho những khách nhập cảnh mua hàng điện máy, vì chế độ bảo hành dài hạn đối với hàng điện máy sẽ không thể áp dụng cho những người mua hàng từ các cửa hàng miễn thuế tại nước ngoài xách tay mang về, như chế độ bảo hàng trước đây Hapro vẫn cung cấp khách mua hàng.

Hơn nữa, với việc đưa nhiều mặt hàng sản xuất trong nước vào bán tại cửa hàng miễn thuế như điều hòa nhiệt độ LG, bia Halida, rượu Vang Thăng Long, quần áo thời trang hiệu Vera, Joky… cửa hàng miễn thuế còn giúp các DN sản xuất trong nước tăng cường hoạt động xuất khẩu tại chỗ, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Thời gian qua, các DN kinh doanh hàng miễn thuế đã đồng loạt kiến nghị được tiếp tục bán hàng miễn thuế cho khách nhập cảnh. Kiến nghị này đã được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm của Bộ Tài chính, để xử lý những khó khăn có tính chất tình thế phát sinh là DN chuyển mục đích kinh doanh bán hàng miễn thuế sang mục đích kinh doanh khác. Đối với số lượng hàng đã nhập khẩu nhưng chưa bán hết được chuyển sang bán tiếp cho đối tượng người xuất cảnh, quá cảnh hoặc tái xuất khẩu hoặc cho chuyển đổi mục đích sử dụng khác theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng với tập quán thương mại hiện nay cũng như thói quen của khách du lịch, khó có thể khẳng định, những người sau chuyến công tác nước ngoài, hay Việt kiều về thăm thân, đặc biệt là khách nước ngoài có thể mua những món đồ trôi nổi trên thị trường tự do hiện nay để lưu niệm hoặc làm quà cho người thân.

Kim Liên
Nguồn: Báo điện tử Công thương